các món ăn đặc sản mùa nước nổi
Mùa nước nổi không chỉ mang lại phù sa cho những cánh đồng mà theo con nước những sản vật quý hiếm cũng xuất hiện đem đến nhiều giá trị kinh tế cho bà con vùng ĐBSCL. Nhiều loại còn là đặc sản nổi tiếng, được chế biến thành các món ăn gây thương nhớ cho những người đã từng đến nơi này.
1. Cá linh
Cá linh xuất hiện vào mùa nước nổi ở các tỉnh đầu nguồn khu vực ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp. Vào đầu mùa nước là thời điểm cá linh ngon nhất, người dân vùng lũ gọi là cá linh non bởi cá còn nhỏ, thịt cá mềm và ngọt. Cá linh được người dân miền Tây chế biến thành nhiều món ăn như lẩu mắm cá linh, cá linh kho lạt, cá linh chiên bột,…
2. Cua đồng
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long là thời điểm cua sinh sôi nảy nở nhiều trên đồng ruộng. Người dân cũng tranh thủ bắt cua đồng bán để kiếm thêm thu nhập.
Theo đông y, thịt cua đồng ngọt lạnh, tính hàn, ít độc hay sinh phong, có vị mặn, mùi tanh. Đặc biệt, càng cua đồng to, nhiều thịt có giá thành rất cao. Cua đồng được chế biến thành các món ăn như bún riêu cua, bánh canh cua, lẩu cua đồng, càng cua rang muối.
3. Bông điên điển
Không biết cây điên điển mọc từ lúc nào, mặc dù không ai trồng nhưng cứ đến mùa nước nổi thì người dân lại thấy hoa điên điển nở vàng rực cả cánh đồng nước. Đây là loại bông làm nên các món ăn đặc trưng của vùng đất miền tây Nam Bộ như canh chua bông điên điển, gỏi bông điên điển, lẩu mắm nhúng bông điên điển, bánh xèo bông điên điển,…
4. Bông súng trắng (bông súng ma)
Vào mùa nước nổi, khi con nước dâng lên tràn ngập cánh đồng thì bông súng ma cũng dài theo, người dân cũng thu hoạch bông súng để tăng thêm thu nhập. Bông súng được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như nấu canh chua, trộn gỏi, chấm sống cùng mắm kho… Cũng chính vì thế mà dân gian xưa thường ví von “Muốn ăn bông súng mắm kho, thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.
5. Chuột đồng
Chuột đồng sống ở đồng ruộng, khi nước dâng lên chuột thường tìm những nơi có gò đất cao để đào hang trú ẩn nên đây cũng là thời điểm người dân săn bắt chuột đồng. Chuột đồng có thể làm nhiều món ăn đặc sắc như chuột nướng lu, chuột chiên, xào kiệu hay khô chuột đồng.
6. Rắn
Vào mùa nước, rắn sống tập trung trên các gò đất cao, các thân cây và trên các cánh đồng nước. Người dân tận dụng nguồn lợi từ rắn để kiếm thêm thu nhập mùa nước nổi. Rắn được chế biến thành các món ăn bổ dưỡng được nhiều người yêu thích như hầm xả, nướng mọi, nấu cháo,…
7. Lươn đồng
Lươn đồng sinh sản và phát triển nhiều ở khu vực ĐBSCL từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Theo đông y, thịt lươn có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ máu, bổ não, thanh nhiệt, điều hòa khí huyết. Đặc biệt, lươn được chế biến thành các món ăn bổ dưỡng như lươn hầm dừa, kho sả, lẩu lươn, lươn nấu canh chua cơm mẻ.
8. Ếch đồng
Ếch đồng sống ở đồng ruộng vào mùa nước nổi, có thịt mềm, chắc, thơm ngon. Thịt ếch là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao được chế biến thành nhiều món ăn ngon như ếch kho sả, ếch xào, ếch chiên, lẩu ếch…
9. Ốc bươu đen
Ốc bươu đen sống ở vùng nước ngọt trong các kênh, rạch, đồng ruộng. Mùa nước, ốc nổi trên mặt nước người dân dùng xuồng bơi trên những cánh đồng để vớt ốc. Thịt ốc có vị ngọt và thơm được chế biến thành các món ăn đậm chất miền tây như ốc luộc xả, ốc hấp tiêu, ốc nướng, ốc nhồi thịt hấp… Tuy dân dã nhưng những món ăn từ ốc luôn xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng ở các thành phố lớn.
10. Cá rô đồng
Cá rô đồng sống nhiều ở cả vùng nước ngọt và nước lợ là loại cá có thịt béo, thơm, dai, ngon, có giá trị cao được tiêu thụ khá mạnh cả ở nông thôn, thành phố.
Cá rô xuất hiện nhiều trong các bữa ăn của người dân nam bộ với các món ăn như cá rô kho tộ, cá rô chiên tươi chấm nước mắm, canh chua cá rô bông súng…