Cách nấu chè bột sắn dây giải nhiệt, trị táo bón, rôm sảy – MarryBaby
Chè bột sắn dây ăn không chỉ mát mà còn rất bổ dưỡng, thích hợp cho những ngày hè nóng nực. Chị em có thể kết hợp bột sắn dây với một số nguyên liệu đơn giản để cho ra những món chè bột sắn dây khác nhau.
1. Cách nấu chè bột sắn dây đơn giản
Nấu chè sắn dây này cần ít nguyên liệu, cách nấu cũng rất nhanh và đơn giản. Mẹ bận rộn có thể nấu theo cách sau:
Nguyên liệu
- Bột sắn dây: 3 thìa
- Nước: 200ml
- Đường trắng: 2 thìa
Hướng dẫn cách nấu chè bột sắn dây
- Bột sắn dây và đường trắng cho vào nồi, khuấy đều cho đến khi bột sắn không còn vón cục.
- Đặt nồi bột sắn đã khuấy tan lên bếp, đun sôi với lửa nhỏ. Trong khi đun, bạn dùng thìa hoặc đũa khuấy đều. Đun tới khi bột sắn sánh lại và chuyển sang màu trắng trong thì tắt bếp.
- Múc chè bột sắn ra bát, để nguội và thưởng thức (có thể thêm vani, nước cốt dừa hoặc nước hoa bưởi cho chè thơm hơn).
2. Cách nấu chè bột sắn dây đậu xanh
Chè bột sắn đậu xanh ăn mát và hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp giải độc, cải thiện sức đề kháng của cơ thể. Cách nấu chè bột sắn dây đậu xanh như sau:
Nguyên liệu
- Bột sắn dây: 3 thìa
- Đậu xanh chà vỏ: 100g
- Nước: 1,5 lít
- Nước cốt dừa: 150ml
- Lá dứa: 2 lá
- Đường trắng: 100g
Hướng dẫn cách nấu chè bột sắn dây đậu xanh
- Lá dứa rửa sạch, buộc hai đầu lá lại với nhau. Đậu xanh ngâm nước trong 3 giờ, sau đó rửa sạch và để ráo.
- Cho đậu xanh và lá dứa vào nồi, thêm nước rồi đun với lửa nhỏ đến khi đậu xanh nhừ. Bỏ lá dứa ra rồi thêm đường vào, khuấy đều để đường tan hết (lá dứa bạn lưu ý không đun quá 15 phút vì đun lâu sẽ làm cho nước bị đắng).
- Trong lúc chờ đậu nhừ, bạn hòa bột sắn dây cùng một ít nước sao cho bột không còn vón cục. Từ từ đổ nước bột sắn dây vào nồi đậu, vừa đổ vừa khuấy để bột sắn và đậu xanh hòa quyện vào nhau.
- Đun nồi chè với lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy cho đến khi chè sánh lại là bạn tắt bếp.
- Nước cốt dừa bạn sơ chế bằng cách: dùng 1 chiếc nồi khác và đổ nước cốt dừa cùng 2 thìa đường vào, cho lên bếp đun sôi.
- Chè bột sắn đậu xanh đã sánh lại, bạn múc chè ra bát, rưới nước cốt dừa lên trên và thưởng thức.
3. Cách nấu chè bột sắn dây đậu đen
Chè bột sắn đậu đen là món ăn giải nhiệt, có tác dụng bổ thận, dưỡng tâm. Trẻ em thường xuyên mắc chứng táo bón, rôm sảy, mụn nhọt mẹ nên cho bé ăn loại chè này.
Nguyên liệu
- Bột sắn dây: 3 thìa
- Đậu đen xanh lòng: 100g
- Nước: 1,5 lít
- Đường trắng: 150g
Hướng dẫn cách nấu chè bột sắn dây đậu đen
- Đậu đen loại bỏ hạt sâu, ngâm nước trong 3 giờ. Sau đó rửa sạch và cho vào nồi ninh với lửa nhỏ cho tới khi hạt đậu nở bung, chín mềm.
- Đậu mềm, bạn bỏ đường vào khuấy đều để đường tan hết và ngấm vào đậu.
- Bột sắn dây hòa tan cùng một ít nước lạnh và đổ vào nồi chè đỗ đen, vừa đổ vừa khuấy thật đều.
- Tiếp tục đun nhỏ lửa cho tới khi chè sánh lại là được.
- Nước cốt dừa bạn có thể đun với một chút đường cho ngọt hoặc nếu không thích ăn ngọt thì bỏ qua bước này.
- Múc chè ra bát, rưới nước cốt dừa lên trên, thêm dừa khô hoặc dừa tươi bào sợi (nếu thích) và thưởng thức.
4. Cách nấu chè mè đen với bột sắn dây
Chè mè đen với bột sắn dây có tác dụng bài trừ độc tố, chữa một số bệnh như táo bón, tóc bạc sớm; làm cho làn da của chị em trở nên sáng đẹp, mịn màng; tóc dày và mượt. Tuy nhiên, chè có tính nhuận trường nên người bụng dạ yếu không nên ăn chè mè đen bột sắn dây vì có thể bị đi ngoài, tiêu chảy.
Nguyên liệu
- Mè đen: 100g
- Sắn dây: 50g
- Gạo nếp: 50g
- Đường: 150g
- Nước sôi để nguội
- Gừng: 1 nhánh nhỏ
Hướng dẫn cách nấu chè mè đen với bột sắn dây
- Mè đen bạn nhặt sạch sạn, bụi bẩn, sau đó cho vào chảo rang nhanh với lửa nhỏ (có thể rửa sạch mè, phơi khô và rang) tới khi mè nổ lách tách là được.
- Cho mè đã rang ra bát, chờ thật nguội sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mịn (xay mè lúc nóng sẽ làm cho mè kết dính khó xay).
- Gạo nếp rang vàng rồi xay nhuyễn như mè đen, bột sắn dây bạn hòa với một ít nước lạnh cho tan hoàn toàn.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 1 thìa bột sắn dây, 1 thìa bột gạo nếp, 2 thìa mè đen, 2 thìa đường, 1 bát tô nước và vài lát gừng. Sau đó, vừa nấu vừa khuấy đều tay để chè không bị cháy.
- Tiến hành nấu chè cho đến khi chè chuyển từ màu trắng sang màu đen hoàn toàn là được. Múc chè ra bát và thưởng thức.
5. Cách làm trân châu bằng bột sắn dây
Bạn đã từng nghe làm trân châu bằng bột năng, vậy làm trân châu bằng bột sắn dây thì sao? Cùng thử theo cách này nhé, trân châu rất giòn và ngon đấy.
Nguyên liệu
- Bột sắn dây: 100g
- Đường: 50g
- Bột milo: 1 gói
- Nước: 110ml
Hướng dẫn cách làm trâu châu bằng bột sắn dây
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Xay nhuyễn bột sắn dây (xay khô, không cho nước) hoặc giã mịn, sau đó cho bột sắn dây vào một chiếc tô lớn, bớt lại 1 ít để làm bột áo.
- Bột milo bạn hòa tan với nước rồi bắc lên bếp đun sôi thì tắt bếp.
- Đổ nước milo vừa sôi vào tô bột sắn dây, lưu ý đổ từ từ và dùng đũa khuấy đều. Bạn ước lượng sao cho bột đừng nhão quá cũng đừng khô quá vì sẽ khó viên hạt trân châu.
- Tiếp đến bạn dùng găng tay ni lông nhào bột cho bột thật dẻo mịn. Nếu bột khô, bạn thêm nước nóng, bột ướt cho thêm bột áo.
Bước 2: Nặn trân châu
- Chia bột thành những khối nhỏ đều nhau. Lấy từng phần bột ra nhào lại một lần nữa và bỏ ra một cái thớt hoặc mâm để lăn tròn, sau đó cắt thành từng hạt nhỏ và tiến hành vê hạt trân châu. Làm như vậy cho đến khi hết bột. Ở đây bạn cần lưu ý những phần bột chưa viên cần được bọc lại bằng khăn ẩm để tránh bột bị khô.
- Hạt trân châu đã vê xong bạn bỏ vào tô có đựng một ít bột áo, trộn đều để bột bám một lớp thật mỏng vào trân châu.
Bước 3: Luộc trân châu
- Đun một nồi nước sôi, sau đó thả từ từ hạt trân châu vào, dùng đũa khuấy đều cho hạt không dính vào nhau và không dính đáy nồi. Luộc trân châu từ 20-25 phút cho đến khi trân châu nổi lên hoàn toàn thì bạn tắt bếp.
- Sau khi tắt lửa, bạn để trân châu ngâm trong nồi khoảng 20 phút để không bị cứng, sau đó mới vớt ra, cho vào tô nước đá ngâm một lúc cho trân châu giòn.
- Vớt trân châu ra và trộn cùng một ít đường, ướp trong 15 phút để đường ngấm.
- Lúc này bạn đã hoàn thành công đoạn làm trân châu với bột sắn dây. Trân châu sau khi làm xong bạn bảo quản tủ lạnh (trong vòng 1 tuần) và ăn cùng chè bột sắn dây hoặc uống chung với trà sữa, sữa tươi đều được.
Ngoài làm trân châu với bột sắn dây hoặc chế biến 4 loại chè như trên, chị em đảm đang có thể khéo léo kết hợp giữa bột sắn dây và các nguyên liệu khác để làm ra các món chè khác như sau:
- Chè ngô bột sắn dây
- Chè hoa cau bột sắn dây
- Chè bí ngô bột sắn dây
- Chè sắn dây khoai môn…
Cách nấu những loại chè này cũng khá giống với các loại chè ở trên bạn nhé.
Trên đây MarryBaby đã chỉ cho bạn cách nấu chè bột sắn dây, chị em nghĩ sao về món chè này? Hãy vào bếp trổ tài món chè bột sắn dây để chiêu đãi gia đình và người thân nhé bạn.
Hoa Hà