cách nấu hủ tiếu hồ chay | Món Miền Trung
Bé Hai bán quán này hơn 17 năm rồi. “10 năm tui bán mặn, 7 năm tui bán chay” – bé Hai giọng rổn rảng. Tôi vặn vẹo “Bán mặn lời hơn sao nghỉ?”. Bé Hai dịu giọng: “Sát sanh lắm ông ơi”. Và nhờ vậy mà có một món chay độc lạ thỉnh thoảng rất nhớ, phải chạy vào tuốt Chợ Lớn (quận 6, TP.HCM) để ăn.
Món này vốn là của người Hoa, qua đến phiên bản chay thì dễ. Kiểu như canh cải chua ăn chung với hủ tiếu mềm. Miếng hủ tiếu hồ cũng khá lạ, giống như bánh ướt xé thành từng bản to to, không phải xắt thành sợi. Dày hơn miếng bánh ướt và mỏng hơn bánh phở một chút, hủ tiếu hồ ăn không bị bở mà có độ dai nhẹ.
Nước lèo ăn kèm có vị thanh chua nhẹ nên rất dễ ăn. Thoang thoảng là mùi hồi và thêm mấy gia vị của người Hoa. Nhưng hỏi thăm, bé Hai giấu nghề: “Chồng tui nấu, tui chỉ biết bán thôi à”.
Thôi, chỗ làm ăn của người ta cũng không tiện ngâm cứu sâu quá. Tóm lại, nước lèo vị đậm đà, thanh chua và thơm thoang thoảng mùi đại hồi.
Tô hủ tiếu hồ chay lúc nào cũng nóng như muốn phỏng lưỡi. Phải kiên nhẫn ăn từng chút một. Nhờ vậy, cảm nhận được vị chua thanh thanh, tinh tế hơn món bún Thái biết bao nhiêu. Miếng tiếu lại nhão chỉ vừa mềm tới, còn dai dai. Thỉnh thoảng ăn trúng miếng cải chua, thích ơi là thích. Thêm chút sa tế thôi mà sao cay lại bay lên dữ dội quá.
Đồ ăn kèm với hủ tiếu hồ cũng khá quen thuộc với các món chay như chả chay, tàu hủ ky, nấm đông cô… Mấy món này quán lựa chọn cũng khá ngon. Tuy nhiên, phần xử lý nấm đông cô chưa được tới, vẫn còn hơi nặng mùi. Đặc biệt, hủ tiếu hồ chẳng có giá hay rau sống ăn kèm. Ngoài cải chua có thêm một chút rau nêm là ngò gai tạo thêm điểm nhấn về mùi.
Vì sao có tên là hủ tiếu hồ? Nghe đồn khởi thủy nước dùng là dạng sệt giống như hồ dán nên gọi tên vậy, không phải liên quan đến gia tộc họ Hồ hay người Hồ. Ngoài hủ tiếu hồ, mỗi ngày quán Bé Hai có bán kèm một món nước khác nhau cho khách chọn lựa như phở, mì tiềm, hủ tiếu sa tế,…
Vũ Dzoãn Đoàn