Thưởng thức rượu vang từ trang trại nho Ba Mọi | Món Miền Trung
Sau khi chụp ảnh xong, nhóm khách được mời vào thưởng thức các sản phẩm như nho, táo ăn tươi, nước ép nho và rượu vang. Thông qua người phiên dịch, tôi biết các vị khách vừa ăn, vừa khen ngon và họ đặc biệt ấn tượng với rượu vang của trang trại. Liên tục rót vào các ly chuyền tay nhau, chẳng mấy chốc họ uống sạch chai vang.
Theo các nhóm khách du lịch Nga, rượu vang chế biến từ trang trại này có hương vị thật quyến rũ, nó có mùi vị khác hẳn với các loại vang mà họ từng nếm. Thực vậy, nếu tìm hiểu kỹ về quá trình chưng cất do ông Nguyễn Văn Mọi (chủ trang trại) thực hiện mới phân biệt được thế nào là vang, thế nào là rượu nho tự đặt tên vang. Để có nguyên liệu làm ra thứ rượu vang tuyệt hảo này, trong diện tích trồng 1,5 ha nho, ngoài 1 ha nho trồng ăn tươi, trang trại nho Ba Mọi dành 0,5 ha trồng nho rượu gồm các giống: Syrah (nho rượu đỏ), giống Cabernet Sauvignon (nho rượu trắng) và Sauvignon Blanc (nho rượu trắng). Theo ông Nguyễn Văn Mọi, nho chín, thu hoạch xong phải trải qua qui trình chế biến có nhiều công đoạn phức tạp với thời gian từ 1 đến 1 năm rưỡi. Đầu tiên là ép nho, lấy toàn bộ dịch quả, thịt quả cho ủ lên men (3-4 tuần đối với giống nho rượu đỏ, 1-2 ngày đối với giống nho rượu trắng), tiếp đó lọc bã đưa xuống hầm ủ lên men lần 2 (kéo dài 7-8 tháng). Trong thời gian này, kỹ thuật viên (là kỹ sư hóa thực phẩm do ông Ba Mọi thuê) sẽ theo dõi bổ sung đường và sau đợt ủ lần 2 sẽ di chuyển sản phẩm qua bồn chứa bằng inox (tên thông dụng quốc tế là tank). Sau 3 tháng ủ tank, rượu chín, cũng là lúc chiết xuất ra chai. Mỗi chai vang Ba Mọi có dung tích 0,75 lít (quy chuẩn Quốc tế), được bán với giá 110-120 ngàn đồng tùy loại vang đỏ hay vang trắng.
Sản phẩm thứ hai là nước ép nho, được tận dụng từ thu tỉa và dành một phần sản lượng từ nho thu hoạch, hằng năm trang trại nho Ba Mọi đã đưa khoảng 3-4 tấn nho vào chế biến thứ nước giải khát ngon ngọt này. Qui trình sản xuất khá đơn giản, nho ép xong được ủ, nấu và cho ra chai nhưng thời gian ủ có khi kéo dài đến 1 năm. Mỗi năm, trang trại có thể sản xuất được khoảng 5.000-6.000 chai (dung tích 0,5 lít), bán với giá 60.000 đồng/chai. Qua tiếp xúc với các đoàn khách tham quan nơi đây, tôi nhận thấy hầu như ai cũng chú ý đến sản phẩm này. Ông Nguyễn Văn Mọi cho biết: “Trong nước ép nho, theo kinh nghiệm của tôi nếu phối thêm nho Black Queen có màu đen sẽ cho ra hương thơm đặc trưng như mùi mật ong, du khách chuộng là vì thế. Đối với vang muốn đạt chất lượng cao, tôi muốn nói thêm kinh nghiệm là người chế biến hãy tự trồng nho rượu, đừng để phụ thuộc nguyên liệu bên ngoài”. Hiện nay ông đang trồng thử nghiệm giống nho Muscat, gọi nôm na là giống nho tạo mùi hương, có thể sử dụng cho mứt nho, nước ép và cả rượu, tạo hương thơm đặc trưng rất hấp dẫn. Hơn ai hết, là người khai thác dán nhãn “chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận”, ông Nguyễn Văn Mọi đã tường tận việc nâng giá trị nho của sản phẩm chế biến từ nho nên đang quyết tâm có những bứt phá mới.
Trong tổng diện tích nho trồng ăn tươi nói trên, trang trại nho Ba Mọi có: 1 sào trồng giống nho đen Black Queen, 1 sào trồng giống nho đỏ Cardinal và 7 sào còn lại trồng giống nho xanh NH 01-48. Với sản lượng trung bình 10-15 tấn nho tươi/năm, trang trại nho Ba Mọi có đến trên 80% sản lượng thu hoạch là phục vụ ăn tươi. Thực tế khách du lịch khi tham quan xong vườn nho của trang trại cũng đều chọn mua nho tươi. Từ khi được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP, nho trồng của trang trại đã tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng khắp nơi trong nước. Tuy nhiên, chính các sản phẩm chế biến từ nho đã làm cho thương hiệu nho Ba Mọi lan tỏa, đặc biệt là rượu vang. Một khách du lịch nữ đến từ Cà Mau chia sẻ: “Có lần vào một Siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, nhìn lên kệ thấy có chai rượu vang Ba Mọi nằm kề các chai vang ngoại, mình cảm thấy dâng lên niềm kiêu hãnh, hóa ra ở Ninh Thuận đã làm ra thứ vang ngon như thế này sao”.
Dù sản phẩm chế biến sau nho ăn tươi chưa nhiều, nhưng trang trại nho Ba Mọi đang là điển hình cho xu hướng phát triển mới của nghề trồng nho ở tỉnh ta. Từ câu chuyện chai vang Ba Mọi làm điểm nhấn, có thể thấy đã đến lúc nâng tầm giá trị kinh tế của nho bằng cách hạn chế bán tươi và đẩy mạnh chế biến sản phẩm từ nho. Nhưng như tâm sự của ông Nguyễn Văn Mọi, nếu chỉ một trang trại nhỏ như của ông sẽ không làm nổi, mà đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện cho các vùng trồng nho VietGAP liên kết với các doanh nghiệp chế biến, có đầu ra ổn định và sản phẩm thống nhất.
Bạch Thương