Cây bơ | Món Miền Trung
Nguồn gốc cây bơ
Bơ có nguồn gốc đầu tiên ở tỉnh Puebla, Mexico với sự phát triển từ hàng trăm triệu năm trước, tiếp đó các giống bơ cổ được phát hiện tại Guatemala và quần đảo Antiles, những vùng này đều thuộc khí hậu nhiệt đới và thích hợp cho sự phát triển của cây bơ sau này.
Hiện nay có rất nhiều chủng bơ quan trọng được lai tạo từ những giống bơ cổ, mỗi họ đều có những đặc tính riêng, tuy nhiên các giống bơ được sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế cao đa phần là những giống bơ thuộc họ Lauracea gồm:
- Chủng Mexico thuộc loài Persea drymifolia
- Chủng Guatemala thuộc loài Persea americana Mill
- Chủng West Indian (Antilles) thuộc loài Persea americana Mill
Mỗi chủng loại bơ thường có những đặc tính khác nhau, từ đó thích hợp với những vùng sinh thái khác nhau.
Đặc điểm hình thái cây bơ
-
Thân cây bơ
Bơ là cây thân gỗ có chiều cao từ 15 – 20m, được tính từ chiều cao cổ rễ đến điểm phân cành đầu tiên. Tùy vào giống cây được phát triển từ hạt hoặc chồi ghép mà chiều cao của thân cây cũng biến động.
Thân cây bơ được phát triển từ hạt sẽ có thân thẳng đứng, cây phân cành khi đạt chiều cao từ 1 – 1,5 m và chiều cao phân cành sẽ phù thuộc vào điều kiện chăm sóc kiến thiết cơ bản như phân bón, nước tưới và cả chế độ bóng che.
Thân cây bơ được phát triển từ cành ghép sẽ phụ thuộc vào điểm ghép nối liền giữa gốc ghép và chồi ghép nên chiều cao của cây bơ ghép thường thấp hơn, phân cành thấp.
-
Cành bơ
Cây bơ có hai loại cành chính là cành quả và cành vượt.
Cành quả là những cành cho quả, nơi tập trung của hoa. Thông thường cành quả nằm ngang và có hoa tập trung ở đoạn cuối của cnahf.
Cành vượt là những cành phát triển chiều cao của cây, giúp cây lớn lên và tăng khả năng sinh trưởng và phát triển cho cây, cành vượt thường nằm ở phía trên, theo phương thẳng đứng, cành vượt thường là những cành non và không ra hoa. Tuy nhiên các cành phân nhánh từ cành vượt theo hướng nằm ngang sẽ là cành quả.
Bạn cần phân biệt giữa cành quả và cành vượt trên cây bơ để tăng hiệu quả phân cành và tập trung dinh dưỡng để nuôi cành quả. Trường hợp những cành quả bị sâu bệnh và phát triển yếu chúng ta sẽ chú trọng đến phát triển cành vượt để khắc phục hiện tượng khuyết tán cho cây.
-
Lá bơ
Lá bơ có rất nhiều hình dạng khác nhau như: hình elip, hình bầu dục, hình trứng, hình mũi dá, … Tùy vào chủng và giống mà lá cây sẽ thay đổi, màu sắc lá cũng thay đổi, thông thường thì mặt trên của lá có màu đậm hơn ở dưới.
Chiều dài lá thường đạt 10- 30 cm, đối với lá thuộc chủng mexico khi vò lá sẽ có mùi hôi.
Lúc con non lá thường có lông mịn, màu đỏ hoặc màu đồng. Đến khi lá trường thành sẽ có màu xanh láng và dài, gân lá rõ ràng.
-
Hoa cây bơ
– Cây Bơ ghép thường ra hoa và đậu quả sau 2 – 3 năm trồng.
– Cây Bơ ra rất nhiều hoa.
– Cây trưởng thành mang trên 1 triệu hoa nhưng chỉ khoảng 1% là đậu thành quả.
– Hoa nở rải rác suốt mùa hoa.
– Cá biệt có một số ít cây ra hoa 2 – 3 đợt, cho thu hoạch thêm quả trái vụ.
– Các chùm hoa Bơ ra ở đầu cành hoặc từ nách lá.
– Trên một hoa có đầy đủ bộ phận đực và cái nhưng chúng không hoạt động đồng thời. Mỗi hoa nở 2 lần, 1 lần nở đóng vai trò như hoa đực và 1 lần nở nữa đóng vai trò như hoa cái.
Hoa bơ
Tùy và thời gian nở hoa trong ngày với vai trò là hoa đực hay hoa cái mà người ta chia cây Bơ làm 2 nhóm: A và B.
Muốn tạo điều kiện thuận lợi cho giao phấn chéo và nâng cao tỷ lệ đậu quả thì trong một vườn hoặc các vườn lân cận nhau phải có một cây nhóm A lẫn cây nhóm B. Nhiều giống Bơ nhiệt đới vẫn có khả năng tự thụ vì nướm vẫn có khả năng nhận phấn khi hoa nở lần 2, do đó cây mọc riêng biệt một mình vẫn có khả năng đậu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất cao nên trồng trong cùng vườn cây nhóm A lẫn nhóm B. (Nướm có khả năng nhận hạt phấn – hoa ở giai đoạn cái. Các bao phấn màu vàng có khả năng tung phấn – hoa ở giai đoạn đực).
Sơ đồ miêu tả chu kỳ nở hoa của cây Bơ. Nguồn: Jackson (1986)
-
Quả bơ
– Thời gian mang quả trên cây tùy theo chủng và giống. Trong điều kiện nhiệt đới thời gian mang quả có thể kéo dài từ 5 đến 8 tháng.
– Quả Bơ non rụng nhiều sau khi đậu 2 – 3 tháng, nhất là vào đợt ra chồi lá đầu mùa mưa cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Bón phân để giảm rụng quả vừa nuôi chồi lá.
Để cây ra quả ổn định và chất lượng quả bảo đảm không nên cố giữ quá nhiều quả trên cây. Trong thời kỳ mang quả ổn định sau khi trồng 6 – 8 năm tuổi trở đi chỉ cần đạt năng suất 150 – 200 kg/cây.
– Tại một thời điểm trên cây có nhiều cỡ quả với độ già khác nhau.
– Quả Bơ già không chín mềm trên cây. Quả già sinh lý vẫn còn có thể tiếp tục đeo trên cây 2 – 4 tháng. Vì vậy có thế thu hoạch muộn để tránh những thời điểm quá nhiều Bơ trên thị trường.
– Phần ăn được của quả Bơ là thịt Bơ, chiếm khoảng 65 – 75% trọng lượng quả.
– Lớp vỏ ngoài bao bọc và bảo vệ thịt quả. Vỏ ngoài của quả dày và hơi sần sùi có lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Khi Bơ già chín lớp vỏ này có màu xanh, xanh đậm, tím hoặc đen tùy theo từng chủng giống.
– Tùy theo từng chủng, giống mà quả Bơ có nhiều hình dạng khác nhau. Hình ảnh cho thấy những dạng quả được người tiêu dùng ưa chuộng. Các dạng quả đầu nhọn quá dài rất bất lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản thường không được ưa chuộng.
Quả bơ
Quả Bơ ngon và hấp dẫn khi chín có thịt quả màu vàng, chắc, không xơ, hạt đóng khít với thịt quả nhưng dễ tách khỏi thịt quả.
Đặc điểm các chủng loại bơ
-
Chủng Mexico (Mexican) có nguồn gốc từ vùng núi cao của Mexico và có khả năng chịu lạnh tốt
+ Lá có màu xanh lục, mặt dưới màu nhạt hơn mặt trên và lá thường có mùi hôi anique khi bị vò nát.
+ Hình dạng quả: hình thon dài giống quả lê, đu đủ.
+ Hàm lượng chất béo đạt 15- 30%.
+ Vỏ quả mỏng, bóng hơn khi chín, khi chín có màu xanh, vàng xanh hoặc đỏ tím.
+ Hạt quả lớn, vỏ hạt mỏng và bề ngoài hạt trơn láng. Hạt chặt với phần thịt nên khi lắc thường không kêu.
+ Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín từ 8- 9 tháng.
+ Chất lượng quả tốt, năng suất cao.
+ Những giống nổi bật: giống Fuerte và giống Zutano, đây là những con lai giữa giống Mexico với Guatemala giúp tăng kích thước của quả và giúp vỏ quả nhẵn mịn hơn.
-
Chủng Guatemala có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Mexico, chịu lạnh khá tốt.
+ Lá có màu xanh thẫm, khi vò lá không có mùi hôi, đọt non màu đỏ tối.
+ Hình dạng quả: quả thường hình tròn, hình thon dài. Cuống quả dài.
+ Hàm lượng chất béo đạt 10- 15%.
+ Vỏ quả dày và có sớ gỗ, da sần sùi, thô ráp khi chín thường có màu xanh lục hoặc nâu đen.
+ Hạt nhỏ và gắn chặt vào phần thịt quả, bề ngoài hạt láng hoặc trơn láng.
+ Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín từ 9- 12 tháng.
+ Chất lượng ngon.
+ Những giống nổi bật: giống Hayes, giống Hopkins, giống bơ Hass.
-
Chủng West Indian (Antilles) có nguồn gốc từ Trung Mỹ, chịu lạnh kém nhưng lại có khả năng chịu nóng và chịu mặn cao.
+ Lá to, có màu xanh đậm, màu sắc hai bên mặt lá tương đương nhau, khi vò lá không có mùi gì.
+ Hình dáng quả: Quả to, dài, cuống trái ngắn. Vỏ trái ngắn và dai, hơi dày. Quả khi chín có màu hơi vàng.
+ Hàm lượng chất béo đạt 3- 10 %, hạt quả lớn, không nằm sát vào quả nên khi lắc quả sẽ kêu. Hạy sần sùi, lớp vỏ hạt bao quanh không dính liền với hạt mà thường dính vào phần thịt quả.
+ Thời gian từ khi quả ra hoa đến khi quả chín thường từ 6 – 9 tháng.
+ Quả có chất béo thấp, vị nhạt ăn không bị ngán.
+ Những giống nổi bật: Giống Pollock, giống Booth và giống Simmonds.
-
Đặc điểm phân biệt của 3 loại bơ có thể tham khảo trong bảng sau
Các giống Bơ thuộc 3 chủng trên được nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1950, trồng ở những vùng có cao độ dưới 800m. Do đó những cây Bơ hiện nay trong sản xuất có lẽ phần lớn thuộc chủng Guatemalan, West Indian hoặc là những con lai giữa 2 chủng này. Do gây trồng từ hạt qua vài thế hệ nên không còn giữ nguyên những đặc tính giống và do đó không thể đối chiếu với tên của giống gốc khi nhập nội.
Chọn nơi trồng phù hợp
Cây Bơ khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu, đất đai. Năng suất thấp chủ yếu do khí hậu, còn sinh trưởng kém chủ yếu do đất.
Tại Việt Nam cây Bơ có thể trồng được tại nhiều vùng sinh thái. Tuy nhiên để cây trồng cho năng suất cao và chất lượng ngon, Tây Nguyên là vùng trồng thích hợp hơn cả, đặc biệt là trên đất Bazan tầng canh tác dày, thoát nước tốt, chất hữu cơ cao.
Ngoài ra trên những chân đất phù hợp trồng cây dài ngày như cà phê, cao su, cao cao, điều, sầu riêng… cũng có thể trồng được cây Bơ.
Phân bố cây bơ tại Việt Nam
Bơ là loại quả yêu cầu cao về thổ nhưỡng cũng như khí hậu để thích hợp để phát triển, hiện nay quả bơ thường được trồng nhiều ở khu vực tây nguyên và đạt hiệu quả kinh tế cao, những khu vực trồng bơ tiêu biểu gồm:
- Vùng Đà Lạt: các loại giống thuộc chủng Mexico thường phân bố rộng tại đây nhờ khả năng chịu lạnh tốt.
- Vùng Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc: Đây là những vùng có tỉ lệ chủng Antilles cao nhất.
- Vùng Di Linh: thích hợp với chủng Guatemala.
- Vùng Đắk Lắk được xem là vùng chuyên canh bơ của Tây Nguyên với diện tích trồng bơ đạt 2.700 ha với 80.000 hộ dân, sản lượng hàng năm đạt 40.000 tấn.
Giá trị dinh dưỡng của quả bơ
– Quả bơ có chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất bao gồm canxi, sắt, đồng, magiê, phốtpho, kali, natri, kẽm, mangan và selen.
– Quả bơ cũng rất giàu chất chống oxy hoá, có tác dụng ngăn ngừa hình thành các gốc tự do dẫn đến gây ung thư, đục thuỷ tinh thể, lão hóa da, giúp duy trì làn da săn chắc.
– Quả bơ còn là nguồn folate rất quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và đặc biệt quan trọng đối với thai kỳ ở những tuần đầu tiên vì 75% trẻ sơ sinh bị nứt đốt sống là do thiếu folate từ trong bụng mẹ.
– Bơ là một trong rất ít loại trái không có cholesterol, mà lại có chứa chất béo đơn không bão hòa, đây là loại chất béo tốt cho cơ thể giúp làm giảm hàm lượng cholesterol.
– Quả bơ có chứa hàm lượng protein cao nhất so với các loại quả khác, cao gần như tương đương với sữa. Ngoài ra, quả bơ còn có hàm lượng muối thấp, chất xơ cao, có hàm lượng lutein cao, có chất carotenoid tự nhiên giúp mắt sáng và duy trì một làn da đẹp.