Kinh nghiệm du lịch Mai Châu, Hòa Bình (Cập nhật 08/2021)
Cùng Phượt – Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La và Quan Hóa của Thanh Hóa, thung lũng Mai Châu là điểm đến của hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi năm để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá cuộc sống của dân tộc Thái. Không có nhiều điểm thăm quan du lịch hấp dẫn như “người hàng xóm” Mộc Châu, nhưng thung lũng Mai Châu vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch và phượt thủ bởi vẻ đẹp thơ mộng, không khí trong lành mát mẻ, văn hóa đa dạng, phong phú và nét ẩm thực đặc trưng. Cùng đọc những kinh nghiệm du lịch Mai Châu mới nhất được Cùng Phượt tổng hợp và chia sẻ nhé.
Giới thiệu về Mai Châu
Trên đường vào bản Lác, Mai Châu (Ảnh – klinhdo)
Mai Châu là một huyện vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hoà Bình, phía Đông giáp huyện Đà Bắc và huyện Tân Lạc, phía Tây và phía Nam giáp huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La.
Mai Châu trước kia được gọi là Mường Mai, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIII. Thời nhà Trần. Ngay từ thời nhà Trần, những người con của đất Mường Mai đã trấn ải biên giới, lập nhiều chiến công, được triều đình ban thưởng. Nghĩa quân áo đỏ của đồng bào các dân tộc ở Mai Châu đã nhiều phen làm cho quân xâm lược nhà Minh khiếp sợ.
Trước năm 1945, xã hội người Thái ở Mai Châu được phân chia đẳng cấp rõ rệt. Thống trị xã hội là hệ thống phìa tạo cha truyền con nối, bên dưới là các tạo mường làm bang tá, chánh tổng. Trực tiếp cai quản ở làng, bản là các tạo poọng, tạo bản, giúp việc cho tạo là quáng xứ, quáng văn đảm trách việc thu thuế, gạo, thịt, sản vật nộp cho poọng, lên mường là pằn, quyền, chá… Có thể nói, dưới chế độ phìa tạo, ruộng đất đều nằm trong tay giai cấp thống trị, người nông dân bị bóc lột thậm tệ và bị bần cùng hoá.
Kể từ thời Pháp thuộc, châu Mai Châu thuộc phủ Chợ Bờ, tỉnh Mường Hoà Bình. Tháng 10-1890, châu Mai Châu và châu Đà Bắc được hợp làm một, gọi là Mai Đà. Sau một thời gian tồn tại, châu Mai Đà lại tách thành hai và được giữ nguyên đến năm 1941 thì Mai Châu và Đà Bắc lại tái hợp nhất thành châu Mai Đà.
Đến nay, địa giới hành chính huyện Mai Châu ổn định với 23 đơn vị hành chính gồm 22 xã Cun Pheo, Piềng Vế, Bao La, Xăm Khoè, Mai Hịch, Vạn Mai, Mai Hạ, Tân Mai, Chiềng Châu, Nà Phòn, Nà Mèo, Tòng Đậu, Đồng Bảng, Phúc Sạn, Tân Sơn, Noong Luông, Ba Khan, Thung Khe, Pù Bin, Hang Kia, Pà Cò, Tân Dân và thị trấn Mai Châu.
Nên đi du lịch Mai Châu vào thời điểm nào ?
Thời tiết nóng bức vào mùa hè rất hợp để đến Mai Châu nghỉ ngơi (Ảnh – gaiadisangro)
Ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc, khí hậu của vùng Mai Châu chịu ảnh hưởng rõ rệt của chế độ gió mùa Tây Bắc, mang sắc thái riêng của khí hậu nhiệt đới núi cao, số giờ nóng trong ngày vào mùa hè là 5 – 6 giờ, mùa đông là 3 – 4 giờ. Độ ẩm trung bình năm đạt 82%. Khí hậu Mai Châu một năm có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa tập trung nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau với khí hậu khô hanh, có ngày có sương mù và mưa phùn giá rét. Chính bởi hình thái thời tiết như vậy, các bạn nên đi Mai Châu vào
- Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, đi mùa này sẽ không sợ trùng vào mùa mưa của miền Bắc, hạn chế gặp phải cảnh sạt lở thường thấy trên trục Quốc lộ 6. Nếu muốn tranh thủ đi ngắm hoa mận, hoa đào thì khoảng thời gian từ tháng 1-2 hàng năm sẽ khá hợp lý.
- Dịp cao điểm nắng nóng của miền Bắc vào khoảng tháng 7-8, quãng thời gian này có thể lên Mai Châu vào mỗi dịp cuối tuần để nghỉ mát, tránh cái oi bức kinh hoàng của Hà Nội.
- Nếu muốn kết hợp đi Mộc Châu, các bạn cứ lựa chọn những mùa đẹp nên đi Mộc Châu rồi tranh thủ ghé qua Mai Châu 1 ngày là thoải mái. Có thể chơi ở Mai Châu nửa ngày, ngủ một đêm rồi tiếp tục khám phá Mộc Châu.
Hướng dẫn đi đến Mai Châu
Đường đi Mai Châu cơ bản không khó, các bạn chỉ cần cẩn thận chút là có thể tự đi (Ảnh – _phuonghuyen)
Phương tiện cá nhân
Mai Châu cách Hà Nội khoảng 140km và cách Tp Hòa Bình khoảng 60km về phía Tây Bắc, để di chuyển tới huyện vùng cao của Hòa Bình này các bạn có thể lựa chọn phương án đi bằng xe cá nhân. Từ Hà Nội các bạn đi tới Hòa Lạc, tiếp tục đi trên tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình, từ đây cứ men theo QL6 để tới ngã 3 Tòng Đậu, rẽ trái để vào Mai Châu (hướng thẳng đi Mộc Châu, Sơn La).
Phương tiện công cộng
Nếu không có phương tiện cá nhân hoặc ngại đường xa, các bạn có thể sử dụng các chuyến ô tô khách đi Mai Châu. Nếu không kịp giờ bạn có thể đi xe khách giường nằm đi Sơn La tới ngã 3 Tòng Đậu thì xuống rồi thuê xe ôm đi vào trong thị trấn (khoảng 5 km).
Xe khách đi Mai Châu
HOÀNG THAO Lịch trình: Mỹ Đình – Mai Châu Giờ xuất bến: Mỹ Đình 14h30 Mai Châu 8h45 Điện thoại: 0914 688533 – 0218 386829
HÀ LOAN Lịch trình: Mỹ Đình – Mai Châu Giờ xuất bến: Mỹ Đình 7h50 Mai Châu 13h30 Điện thoại: 0912490679
HOÀNG KIM LỊch trình: Hòa Bình – Mai Châu Giờ xuất bến: Điện thoại: 0975 996706
Đi lại ở Mai Châu
Đi bộ
Bản Lác và bản Pom Coọng nằm sát nhau, đi bộ quanh bản là cách nhanh nhất để khám phá một Mai Châu đẹp và yên bình. Giới hạn của việc đi bộ là các bạn sẽ chỉ có thể đi quanh bản, các địa điểm xa hơn thì sẽ không đủ thời gian để đi nếu sử dụng phương pháp này.
Xe đạp
Loại hình du lịch bằng xe đạp này ngày càng được nhiều khách du lịch lựa chọn nhất là khách du lịch nước ngoài, một phần vì đây là hình thức rất thân thiện với môi trường, phần nữa là đạp xe quanh bản giữa khung cảnh bình yên thơ mộng của Mai Châu sẽ rất tuyệt vời. Vừa thong thả đạp xe, hít thở không khí trong lành, vừa có thể thoải mái ngắm cảnh, xe đạp cũng thuận tiện hơn để đi vào những chỗ nhỏ.
Xe điện
Hiện ở Mai Châu, các bạn có thể lựa chọn dịch vụ xe điện để đi dạo quanh bản. Xe chạy khá chậm và với mức giá cho một người cũng tương đối rẻ, nếu muốn thuê trọn chuyến để đi xa hơn (thăm các bản gần đấy) các bạn cũng có thể thỏa thuận trực tiếp với người lái.
Xe máy
Đến Mai Châu, nếu chỉ ở quanh các bản Lác, Poom Coọng và khu vực thị trấn có lẽ các bạn không cần sử dụng đến xe máy. Tuy nhiên, đối với một số địa điểm ở xa hơn như đèo Thung Khe, Ba Khan thì xe đạp hay xe điện không giải quyết được vấn đề. Lúc này, nếu không phải tới Mai Châu bằng xe máy, các bạn sẽ cần đến việc thuê một chiếc xe ở đây
Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Mai Châu (Cập nhật 8/2021)
Lưu trú ở Mai Châu
Nhà sàn truyền thống
Đây là hình thức lưu trú phổ biến và không nên bỏ lỡ khi du lịch Mai Châu. Ở đây, các nhà sàn của người Thái được xây dựng chủ yếu ở bản Lác và Poom Coọng. Nói thêm về hình thức lưu trú này, người Thái thường sinh sống và xây dựng bản làng ở những nơi có dòng sông, suối, làm nhà dựa vào núi đồi, phía trước thường là những cánh đồng bao la. Nhà sàn của người Thái thường cao ráo, cách mặt đất trên dưới 2m, sàn nhà làm bằng tre hoặc bương, mái nhà lợp gianh hoặc lá mây, cửa sổ trong nhà khá lớn để đón gió nên nhà sàn của người Thái thường tạo được cảm giác sạch sẽ và thoáng mát.
Ở bản Lác, các nhà sàn được đánh số thứ tự riêng và đi kèm với tên chủ nhà. Ngoài lưu trú, các bạn có thể thưởng thức các món đặc sản của người Thái cũng như các hình thức văn nghệ, đốt lửa trại giao lưu với đoàn văn công của bản. Ngủ nhà sàn thường sẽ phù hợp với những đoàn đi đông, các bạn sẽ được phát đầy đủ chăn, màn, gối, đệm riêng cho từng người và lựa chọn một vị trí phù hợp để ngủ.
Một số homestay tốt ở Mai Châu
Xem thêm bài viết: Các homestay ở Mai Châu (Cập nhật 8/2021)
Khách sạn và Resort
Nếu muốn một không gian riêng tư hơn, nhất là khi nếu bạn đi theo cặp đôi hoặc có con nhỏ, các bạn có thể lựa chọn ở nhà nghỉ hoặc một số resort/bungalow. Một số khách sạn, nhà nghỉ thì nằm ở ngay ngoài trục đường chính từ thị trấn Mai Châu vào trong bản, các resort thì thường nằm ở những vị trí xa hơn, cũng có một vài resort nằm ngay trên đường vào bản. Nếu lựa chọn hình thức này, các bạn vẫn cứ vào bản dạo chơi, ăn uống, hát hò giao lưu văn nghệ trong bản, đến tối thì di chuyển về khách sạn/resort mà các bạn đã chọn để nghỉ ngơi.
Một số khách sạn tốt ở Mai Châu
Xem thêm bài viết: Các khách sạn nhà nghỉ tốt ở Mai Châu (Cập nhật 8/2021)
Các địa điểm du lịch Mai Châu
Được thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan môi trường ở Mai Châu rất đẹp, với núi non hùng vĩ, thảm rừng được bảo vệ luôn giữ màu xanh tươi. Ngoài ra, Mai Châu từ lâu đã nổi tiếng với những di tích, danh thắng là điểm thu hút đông đảo khách du lịch như: hang Khoài, hang Láng, hang Chiều, hang Bộ Đội, bản Lác (Chiềng Châu), bản Bước (Xăm Khoè), xóm Hang Kia (Hang Kia)…
Chơi gì ở Mai Châu
Lên Mai Châu các bạn có thể khám phá những địa điểm được liệt kê phía dưới đây, buổi tối bạn cũng có thể dạo quanh khu vực Bản Lác, tham gia vào các hoạt động văn nghệ, lửa trại hoặc xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ của các chàng trai cô gái Thái ở Mai Châu. Dưới đây là 2 video về Bài hát và Điệu múa truyền thống được biểu diễn ở Bản Lác mà Cùng Phượt muốn giới thiệu tới các bạn.
Các bạn xem video trên kênh Youtube của Cùng Phượt tại đây
Đạp xe quanh bản
Với không khí mát mẻ và khá trong lành, buổi sáng dậy các bạn hoàn toàn có thể thuê một chiếc xe đạp để dạo chơi quanh Bản Lác và xuyên sang Poom Coọng. Việc đạp xe cũng là một hình thức vận động khá tốt cho cơ thể
Ngồi uống cafe ngắm Mai Châu
Nếu thích có những khoảng thời gian thư thái ngồi trò chuyện cùng gia đình, bạn bè cùng nhâm nhi cafe các bạn có thể tới bản Poom Coọng, ở đây có một quán cafe nằm trong một khuôn viên khách sạn với view ngắm nhìn cảnh rất đẹp.
Tour xe điện 8 bản
Xe điện ở Mai Châu giờ khá nhiều, mỗi chiếc xe có thể chở được từ 1-10 người và lại được phép hoạt động nên có thể đi sâu vào trong các bản. Các bạn có thể thuê một chiếc xe điện với giá trọn gói khoảng 200k để được đi một vòng quanh 8 bản nho nhỏ ở Mai Châu, thời gian đi khoảng 1-1,5 tiếng tùy vào việc dừng chơi của các bạn.
Đèo Thung Khe
Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối. Đã có rất nhiều người đi qua đèo Thung Khe mà không nhớ tên của con đèo trên mảnh đất Hòa Bình này. Đèo không hùng vĩ như Ô Quy Hồ đất Lào Cai, không cheo leo như Mã Pì Lèng của đất Hà Giang nhưng lại chứa đựng vô vàn hiểm nguy bất ngờ đối với bất kỳ tay lái nào.
Từ Phú Cường, Tân Lạc, con đèo bắt đầu đi mãi dần lên cùng cảnh sắc Hòa Bình thay đổi không ngừng. Đèo dốc chỉ khoảng 7, 8 và cao nhất tầm 10 độ chạy xuyên qua những dãy núi thấp. Quanh cảnh núi đồi chập chùng với thung lũng xanh mát lạnh. Từ xa, đã thấy đỉnh đèo bên dốc đá trắng, nơi luôn có sẵn vài lán bán ngô, bán cơm lam cho khách dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Dốc xuống xuôi về phía Mai Châu và con đèo kết thúc tại ngã ba Tòng Đậu. Trước đó, bạn có thể ngắm cảnh Mai Châu tuyệt đẹp dưới chân đèo.
Thung Khe không có những dốc đứng, không có những cua tay áo cháy phanh nhưng lại nguy hiểm bởi những chiếc xe tải ngược xuôi mỗi ngày cùng màn sương mù đặc quánh mỗi chiều xuống và buổi sớm cản trở tầm nhìn.
Ở Thung Khe một ngày là bốn mùa tươi đẹp. Buổi sớm khi mây trời còn bảng lảng là vô vàn giọt nắng xiên qua biển mây bồng bềnh với màu xanh mát mắt. Buổi trưa là nắng vàng rót mật trên mọi ngả đường cùng mây trắng, trời xanh. Buổi chiều là không khí mát mẻ dễ chịu với ánh nắng chiều và mặt trời nhảy nhót sau mỗi khúc cua. Buổi tối là mây luồn xà thấp trên mọi ngả đường, người đi đường nhìn không rõ vật cách mình trong tầm một mét, lạnh cóng đôi bàn tay.
Cột cờ Mai Châu
Qua khỏi đèo Thung Khe, trước khi xuống đến ngã 3 Tòng Đậu để đi vào trung tâm Mai Châu, có một điểm mà các bạn không thể bỏ lỡ đó là cột cờ Mai Châu. Trước kia, khu vực này vốn chỉ là một khoảng đất trống mà từ đó có thể ngắm toàn cảnh Mai Châu, sau này được đổ bê tông và dựng lên ở đó một chiếc cột cờ, như một biểu tượng nho nhỏ để các bạn ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi đến với Mai Châu.
Bản Lác
Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên.Bản Lác – Mai Châu: nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Tới nay bản đã tồn tại được 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.
Bản Poom Coọng
Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng – một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa. Pom Coọng đã được biết đến là một làng văn hóa, làng du lịch, điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương với gần 70 hộ và hơn 300 nhân khẩu. Theo truyền thống, người dân Pom Coọng vẫn dựng lên những nếp nhà sàn độc đáo để ở. Những ngôi nhà mọc lên san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ dậu mỏng, ngồi trên cửa voóng, người ta có thể trò chuyện, cùng nhau vui đùa.
Bản Văn
Cách trung tâm thị trấn Mai Châu chỉ khoảng 1km, Bản Văn nằm dưới chân núi Pù Văn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, người Thái ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát…
Không quá xa thị trấn sầm uất nhưng bản Văn vẫn còn khá nhiều nét hoang sơ, mộc mạc, từ phong cảnh đến lối sống bình dị của người dân Thái. Nếu đến bản Văn vào dịp đầu năm mới, các bạn có thể được tham gia vào các trò chơi dân gian đang được địa phương khôi phục lại như “tó mặc lẻ”, kéo co, “keng loong”, ném còn, bắn nỏ …Những trò chơi này góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt người dân trong bản và cũng trở thành một sản phẩm du lịch để thu hút du khách tới bản.
Bản Bước
Cách trung tâm huyện khoảng 30km về phía Tây Nam, bản Bước xã Xăm Khòe nằm trọn trên một khu đồi được bao phủ bởi rừng cọ xanh. Nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cũng vì lẽ đó mà nơi đây được chọn để xây dựng dự án “Bản người Thái gắn với du lịch”. Trước đây bản của người dân xóm Bước định cư ven bờ suối, năm 2007, xóm Bước được quy hoạch để xây dựng thành khu du lịch sinh thái, cả xóm đã chuyển lên địa điểm sinh sống mới.
Đồng bào người Thái ở xóm Bước được thừa hưởng một di sản văn hóa vật thể và văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Đó là tập quán canh tác lúa nước, làm nương, những nếp nhà sàn truyền thống làm bằng sàn gỗ, lợp mái gianh, những công cụ lao động sản xuất rất đặc trưng như cọn nước, gùi, thố… Dự án du lịch bản Bước đang dần đánh thức tiềm năng vốn có ở nơi đây. Để phục vụ du lịch, bản đã thành lập được một đội văn nghệ gồm 12 người có thể múa xòe, hát dân ca Thái và biểu diễn các tiết mục khác. Khi trong bản có khách du lịch, các đội văn nghệ sẽ đến biểu diễn phục vụ.
Nhà trưng bày hiện vật cổ vật văn hóa Thái – Mai Châu
Lên Mai Châu hỏi anh Kiều Văn Kiên, quê xã Đồng Trúc (Thạch Thất – Hà Nội), chưa chắc đã nhiều người biết. Nhưng nếu hỏi anh Kiên, người sở hữu “kho báu” Thái thì có khối người chỉ đến tận nhà.
Suốt 10 năm nay, chỉ cần nghe nơi nào, nhà nào có đồ vật cũ của người Thái là anh lập tức lên đường. Hình như anh sợ “kẻ thù thời gian” sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật kia. Không chỉ ở vùng Mai Châu, anh Kiên còn lặn lội đến khắp các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An thậm chí còn sang cả nước bạn Lào hoặc bất cứ vùng nào có người Thái cư ngụ để tìm hiểu, sưu tập và truyền bá những giá trị văn hóa cổ để người dân cùng yêu mến và giữ gìn cho thế hệ sau.
Tháng 6-2012, anh xin phép chính quyền địa phương dựng điểm tham quan văn hóa Thái Mai Châu tại bản Mỏ, xã Chiềng Châu để trưng bày, giới thiệu cho du khách về thời đã xa của một dân tộc có nền văn hóa đậm đà bản sắc.
Hang Mỏ Luông
Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phí bản Lác, Pom Coọng là hang Mỏ Luông: Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.
Hang ăn sâu vào lòng núi hơn 500m kể cả ngách. Chiều rộng từ 1m đến 30m. Vòm trần có chiều cao trung bình 10m, chỗ cao nhất 30m. Hang có 2 cửa chính: Cửa hướng Tây bắc trông ra nhà nghỉ Mai Châu vào bằng đường bộ. Cửa hướng Tây trông ra hồ Mỏ Luông vào bằng đường thuỷ.
Hang Chiều
Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ, đứng sừng sững uy nghi nơi cửa hang, nhưng lại khiêm nhường, đứng sang 1 bên để che chắn cho cửa hang và thuận tiện cho đường đi xuống lòng hang. Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 – 15m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30m, cách khu dân cư khoảng 350m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.
Hang có chiều dài trên 150 mét, chia thành 2 tầng. Từ cửa xuống tầng hang thứ nhất khoảng hơn 15m, nơi đây là động chính, có chiều dài khoảng 50m, rộng hơn 40m, vòm trần cao trung bình 55m. Lòng hang tương đối bằng phẳng, thoáng mát, lộng lẫy và uy nghi.
Đi đến cuối hang là một dòng suối nhỏ, luôn có nước trong vắt và mát lành. Với chiều dài tổng cộng khoảng 200m, cùng những khối, những giải nhũ lớn tựa bức tranh của thiên nhiên, lung linh huyền ảo và kỳ thú, bầu không khí trong lành sẽ làm cho du khách như đang sống trong khung cảnh thần tiên, đang cùng hưởng không khí với hàng triệu sinh linh hóa đá.
Làng bích họa Hải Sơn, Mai Châu
Trên những bức tường trên con đường dài hơn 800m ở thôn Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) đã được người dân trang trí, biến những bức tường trở thành một con đường bích họa sinh động, tràn ngập màu sắc, thấm đẫm bản sắc văn hóa và phong cảnh đặc trưng của địa phương.
Thác Gò Lào
Gò Lào là tên một con thác nằm ở khu vực xã Phúc Sạn, cách trung tâm Thị trấn Mai Châu khoảng 15km. Từ trên đường chính, bạn sẽ phải gửi xe và đi bộ vượt qua khoảng 5 nhịp cầu thang (thực chất là con đường đất được người dân tạo thành bậc để đi lại cho dễ) là có thể xuống được thác. Thác Gò Lào gồm 2 thác nước nhỏ, chảy từ độ cao khoảng 15m xuống. Khu vực dưới chân thác có một bãi đất trống bằng phẳng có thể phù hợp cho việc tổ chức một bữa picnic ngoài trời.
Mách nhỏ: Các bạn trước khi xuống thác thì gửi xe ở nhà Anh Tuấn (cách đường xuống thác khoảng 10m) rồi đi theo hướng mũi tên chỉ. Nếu trời khô thì không sao nhưng nếu trước đó vừa mưa thì con đường xuống thác vô cùng trơn trượt.
Ba Khan
Ba Khan là một xã nhỏ của Mai Châu nằm ven bờ hồ thủy điện Hòa Bình, từ đèo Thung Khe thả tầm nhìn về phía bình nguyên sau lưng đèo, đó chính là Ba Khan. Con đường này bắt đầu từ phía dưới chân đèo Thung Khe, chạy dọc qua hết xã Ba Khan rồi bắt đầu men theo lòng hồ Hòa Bình.
Nơi đây còn được ví như Hạ Long trên cạn bởi những đỉnh núi xưa kia giờ chìm sâu gần 200m dưới lòng hồ tạo thành. Đến thôn Suối Lốn, các bạn có thể rẽ vào khu Xóm Mới, hỏi nhà Bác Gươm nếu bạn muốn nghỉ lại một đêm ngay sát lòng hồ (giống hệt Thung Nai), thuê thuyền Kayak hay đơn giản hơn là một tour thuyền khám phá lòng hồ được dẫn bởi chính bác chủ nhà. Hiện bác là hộ dân duy nhất làm các hoạt động du lịch ở đây.
Hướng dẫn đường đi Ba Khan:
- Nếu đi từ Hà Nội, đến chân đèo Thung Khe các bạn nhìn sang phía tay phải sẽ thấy có một con đường nhỏ đề Ba Khan 10km, cứ thẳng con đường này mà đi nhé (đường Ba Khan – Phú Cường)
- Nếu đi từ Mai Châu, các bạn không cần quay lại đèo Thung Khe mà đi theo hướng đi Sơn La, đến ngã 3 Đồng Bảng thì rẽ phải vào. Đi thẳng khoảng 7km, đến chỗ trạm y tế Phúc Sạn thì các bạn rẽ phải theo con đường nhỏ ngay bên cạnh, đi khoảng 70m nữa thì đến chỗ xuống thác Gò Lào. Đi hết 30km đường này các bạn sẽ đến ngay chân đèo Thung Khe
Hang Kia – Pà Cò
Hang Kia – Pà Cò nằm giữa bốn bề núi đá, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây không chỉ có phong cảnh đẹp như miền cổ tích mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách thích khám phá.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Hang Kia (Cập nhật 8/2021)
Các món ăn ngon ở Mai Châu
Nhiều người thường tự hỏi sẽ ăn gì ở Mai Châu ? Để trả lời cho câu hỏi này có lẽ các bạn nên dành chút thời gian để tìm hiểu về nét văn hóa ẩm thực của người Thái (dân tộc chủ yếu ở Mai Châu). Món ăn của dân tộc Thái thể hiện sự kết hợp hài hoà, sự giao lưu, ḥa quyện cùng linh khí của núi, của sông, của rừng, của những tấm ḷng chân quư giản dị. Văn hóa ẩm thực dân tộc Thái có một cội nguồn triết lư riêng để măi trường tồn với thời gian. Đối với người Thái, ẩm thực là một nghệ thuật đẵ trở thành nét văn hóa cổ truyền, sâu sắc.Nhiều người đă bàn đến văn hoá ẩm thực của dân tộc Thái và cũng rất nhiều món ăn của người Thái được giới thiệu một cách cặn kẽ. Tuy chưa phải là đă tạo thành mức định hình như một chuẩn mực, một phong cách. Bình thường, các món ăn của người Thái chia làm 5 phần lớn khác nhau như: căm chẳm (đồ chấm, đặt đầu tiên); căm nặm (đồ uống, đặt thứ hai); căm cắp (đồ ghém, đặt thứ ba); căm kin (phần về thức ăn, đặt thứ tư); căm khẩu (phần về cơm, đặt cuối cùng). Trong sự phân loại, tự nó đã bao quát cả âm dương, ngũ hành một cách tổng thể. Xét riêng từng phần, sự hài hoà cũng lại là một nét riêng tạo nên một tác phẩm vô cùng quyến rũ. Cùng Phượt xin giới thiệu với các bạn một số món ăn nổi tiếng của người Thái tại Mai Châu.
Cơm lam Mai Châu
Nguyên liệu làm cơm lam bao gồm gạo, ống nứa (tre), lá chuối. Ngoài ra có thể còn có dừa nạo, nước cốt dừa, vừng trộn lẫn gạo trước khi nướng. Cũng đôi khi, tại một số vùng miền sắn, khoai, ngô, được chặt miếng nhỏ nhồi vào ống để nướng thay cho nguyên liệu chính là gạo.
Tre làm cơm lam gọi là cây “Pá Ngá” loại cây nhỏ vừa, thẳng đều, bên trong ống lớp giấy trắng mỏng (ống có đường kính từ 3-5cm). Chặt lấy tre non khi chuẩn bị mọc lá hoặc mới bắt đầu mọc lá non, cắt ra từng ống, bỏ gạo nếp vào ống tre, đổ nước cho ngập hết gạo được khoảng 3-4h đồng hồ thì dùng lá dong, lá chuối nút chặt miệng ống rồi đưa vào bếp nướng (có thể đốt trên lửa nhưng phải xoay đều để khỏi cháy vào ống cơm lam).
Khi nước trong ống cạn, xem cơm lam chín thì bỏ ra để nguội, lấy dao tước bỏ vỏ ngoài chỉ để lại một lớp mỏng, cắt ra từng đoạn ngắn, khi ăn mới bóc bỏ nốt vỏ tre, làm như vậy cơm mới dẻo và ngon. Cơm làm nếu làm bằng nứa không được đốt trên lửa mà phải xoay đều trên than vì ống nứa mỏng nếu đốt trên lửa sẽ bị cháy, cơm không kịp chín. Ăn cơm lam ngoài muối vừng còn không thể thiếu một loại gia vị truyền thống của người Thái là “chẩm chéo”.
Gà nướng
Gà được tẩm ướp bằng các gia vị độc đáo của người Thái rồi dùng kẹp tre hoặc kẹp sắt để nướng trên than hồng. Món gà rất hợp ăn cùng xôi nếp hoặc cơm lam.
Cá suối nướng
Trong các lễ hội truyền thống của người Thái không thể thiếu món này, để đảm bảo món cá nướng đạt tiêu chuẩn cần chọn những con cá suối nặng từ 4-6 lạng. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, bột canh, mì chính … Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột, rồi gập ngang cá lại, tẩm gia vị vào giữa dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút
Cá được hơ nướng trên than hồng chuyển từ màu trắng sang vàng, mùi thơm lựng. Món cá suối ăn với xôi nếp 3 màu và chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt vời.
Thịt lợn xiên nướng
Ở Mai Châu ngoài món thịt lợn mán thui luộc, còn có một lựa chọn hấp dẫn nữa từ thịt lợn Mường. Sau khi thui lợn thật vàng, người ta chọn những phần thịt ngon nhất thái miếng rồi đem tẩm ướp rất nhiều loại gia vị khác nhau: muối, ớt bột, hồi, giềng, sả, lá móc mật, gừng, nghệ, dấm … tùy vào lượng thịt. Chờ sau khoảng 15-20 phút cho gia vị đã ngấm đều, thịt được xiên que và đem nướng cho tới khi chảy hết mỡ ngấy, vàng ruộm, dậy mùi thơm.
Xôi nếp Mai Châu
Nếp xôi là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, Tiếng Thái gọi là “kháu càng nòi” – nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.
Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp người Thái trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mai Châu. Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi. Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Việc chế biến rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo.
Sau khi có mùi thơm lừng thì lấy xôi ra, cho vào một cái rổ. Tuy nhiên, lúc này xôi chưa chín. Xới đều xôi trong rổ một hồi rồi cho vào chõ gỗ và đồ tiếp cho đến khi xôi chín. Hạt nếp nương giờ đã chín bóng bẫy, hương thơm xộc vào mũi thực khách. Nếp xôi thường được dùng với các món nướng được chế biến từ thịt gà đồi, cá suối hay heo bản.
Nhưng theo người Thái, nếp xôi ăn với muối vừng mới ngon. Quả thật, lấy một miếng xôi chấm muối vừng cho vào miệng, thực khách tận hưởng hết vị thơm và ngọt của lúa nương. Đặc biệt, cách đồ xôi hai lần tạo cho hạt xôi thêm mềm và dẻo. Nắm vắt xôi trong tay, vo tròn, hạt xôi quyện vào nhau, không dính bất cứ một hạt nào ra tay.
Rau cải mèo Mai Châu
Đây là một loại rau phổ biến mà các bạn có thể dễ dàng gặp ở hầu hết các địa phương vùng cao Tây Bắc, món rau này đơn giản chỉ cần luộc lên và chấm mắm trứng để thưởng thức hết vị ngọt xen lẫn chút đắng đọng lại đầu lưỡi.
Thịt trâu gác bếp
Món này là đặc sản của người Thái nên cứ ở đâu có người dân Thái sẽ có món này. Trước kia thịt trâu gác bếp người Thái Mai Châu thường chỉ làm để sử dụng trong gia đình, sau này cùng với xu hướng phát triển du lịch mà món này được bày bán phổ biến hơn. Tuy không ngon bằng thịt trâu gác bếp Sơn La nhưng để nhâm nhi thưởng thức chút trong những ngày ở Mai Châu thì cũng có thể chấp nhận được.
Nhộng ong rừng rang măng chua
Đây là một món ăn dân dã mà độc đáo được đồng bào Mường ở Mai Châu rất ưa chuộng. Vào mùa ong rừng (thường là dịp cuối hè) người dân trong bản tìm những tổ ong to bằng chiếc rổ con mang về. Nhặt những con ong già màu nâu đem ngâm rượu, còn những con ong non màu trắng béo tròn mập mạp thì để chế biến các món đặc sản. Sau khi lấy hết ong ra khỏi tổ đem rửa qua bằng nước lạnh để ráo nước. Ong rừng có thể rang với lá chanh giống như rang nhộng tằm, nhưng ở đây người dân rang với măng chua.
Phi thơm hành mỡ cho ong vào đảo đều, khi ong ngả sang màu hơi vàng thì bắc ra trút vào đĩa, sau đó cho măng vào xào chín thì cho ong đã rang vào đảo cùng. Chế biến món ong rừng xào măng chua rất đơn giản, không cần phải cho vào đó loại rau thơm nào mà chỉ cần thêm một chút cay cay của ớt và nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Khi thưởng thức món này, để hương vị thêm đậm đà và đúng vị thì ăn kèm với củ kiệu muối. Vị béo ngậy, mềm thơm phức của ong rừng lẫn với vị chua cay của măng chua và vị ngọt ngọt, hăng hăng của củ kiệu muối, thêm ly rượu ngô càng làm say đắm lòng người.
Rượu Mai Hạ
Người Hoà Bình không ai lạ gì rượu Mai Hạ vốn nức tiếng thơm ngon khắp tỉnh và các vùng lân cận. Đâu đâu ở Hoà Bình người ta cũng gọi rượu Mai Hạ là đặc sản. Rượu Mai Hạ – rượu cũng được chưng cất từ men lá, không bị pha trộn gì thêm nguyên liệu từ bên ngoài ngoài việc pha nước rượu đầu và rượu cuối, rượu đặc, rót ra đĩa sứ đốt cháy xanh lè như cồn, ai quen độ và men của rượu ngoại mới chịu được không thì nóng ran cả cổ họng, rượu này chủ yếu dùng để ngâm thuốc, rất tốt.
Rượu rượu mai hạ Mai Hạ trong đến độ không thể trong hơn, chỉ cần lắc nhẹ, tăm rượu như bám chắc lấy cổ chai, hồi lâu mới chịu tan. Chưa cần đưa chén rượu chạm môi, hương rượu đã thơm nồng lan toả. Rượu Mai Hạ Hương rượu tan trong không gian thoáng rộng nhà sàn, hương rượu chạm vào khứu giác và khi hít sâu vào buồng phổi, ta như được “uống” no nê, say tràn hương rừng, hương đất. Chưa uống mà đã say cái tình của người Mai Hạ hiếu khách.
Rượu Mai Hạ nói chung có thể có thể đạt tới trên năm mươi độ rượu. Rượu nặng nhưng không “xóc”. Mới nhấp vào đầu lưỡi đã lan nhanh xuống họng. Chỉ một chút rượu mà đã thấy lòng dạ xốn xang. Uống rượu Mai Hạ không thể không nhẩn nha, càng không thể uống theo kiểu “nốc ao”.
Bí quyết nấu loại rượu Mai Hạ thơm ngon “có một không hai” nằm ở cách làm men lá. Nguyên liệu làm men tối thiểu phải có 9 loại lá cây rừng (bà con nơi đây thường gọi là “lá thơm”), gồm: ổi, bưởi, chuông, nhòng nhạnh, hồng bì, ngựt mèo, chịch choóc, phá noộc, cú đin… Trộn hỗn hợp lá đã nghiền với 2 loại củ gừng và giềng đã bào nhuyễn. Trộn đều và theo tỷ lệ nhất định. Ủ khoảng 3 ngày mới thành men. Trộn nguyên liệu (sắn đã đồ hoặc nấu chín) với men, xoa con giống (tức bánh men giống) và nặn thành bánh men. Ủ tiếp khoảng 3 ngày cho đến khi bánh men lên màu trắng đục. Chưng cất bằng nồi chuyên dụng. Hơi rượu đọng thành giọt rồi từ từ theo đường dẫn chảy vào chai.
Thịt ướp chua
Thịt ướp chua “nhứa xổm” chủ yếu làm bằng thịt trâu, bò. Thịt sau khi rửa sạch thì thái lát mỏng, da trâu bò thui cháy cho vào ngâm nước, cạo sạch thấy miếng da vàng óng thì thái thành từng miếng nhỏ bỏ lẫn vào thịt. Giềng giã nhỏ, gạo rang giã thành bột cho vào trộn đều, bỏ vào lọ sành đậy kín khoảng vài ba ngày thịt chua là dùng được. Muốn ăn thịt chua lấy lá gói, vùi vào tro bếp nóng hoặc nấu lên cho sền sệt nước, riêng da trâu bò không cần nấu mà ăn ngay được
Món cá suối ướp chua
Đây là một món ăn có từ xa xưa và là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người Thái. Ngay từ tháng 8-10 âm lịch, người Thái đã phải ra suối bắt những con cá “Pa Vá” (mình trông giống cá trắm nhưng thân nhỏ hơn) đem về rửa sạch, mổ và cắt thành nhiều khúc rồi trộn với các loại gia vị muối, ớt bột khô, tỏi, gừng, lá xả, thính gạo và một chút rượu. Cá đã ướp được cho vào một đoạn ống măng mai bịt kín, đợi nửa tháng là có thể dùng được. Nhưng nếu để thêm một vài tháng nữa đến độ cá “ngấu” thì ăn sẽ mềm thịt và thơm, ngon hơn nhiều. Đặc biệt khi uống rượu với món cá suối ướp chua bao giờ cũng ăn kèm với một ít lá sung và một chút cơm nếp thì mới tăng thêm hương vị thơm ngon, đậm đà khó quên.
Ve sầu chiên
Xứ xở của người Thái còn nổi tiếng bởi được mệnh danh là “xứ sở côn trùng” bởi đây là một trong những món ăn được người Thái khá ưa chuộng, đứng đầu trong danh sách là ve sầu
Cách chế biến món ve sầu chiên của người Thái cũng rất độc đáo, người ta đem những chú ve sầu bắt được cắt bỏ hết cánh, rút ruột, đặc biệt là nhồi một hạt lạc rang giòn vào bụng sau đó đem tẩm gia vị rồi mới đem đi chiên. Việc dùng mắc khén để tẩm ve khiến món ve chiên có hương vị rất đặc biệt, vô cùng khó quên
Chiên ve sầu cho đến khi nào mùi thơm tỏa ra, những con ve có màu vàng mỡ bóng láng thì lấy ra thưởng thức. Phải nhai chậm rãi, từ từ cảm nhận đầu lưỡi tê tê, một vị ngọt tan dần trong miệng.
Nước lá phao
Là loại nước uống đặc biệt ở Mai Châu, được nấu từ một loại lá cây rừng có sẵn. Lá cây sau khi được bẻ về, phơi khô rồi cặt nhỏ, sau khi nấu lên nước lá phao có vị chát, vừa có mùi của thuốc bắc, thuốc nam lại vừa có mùi ngai ngái của lá cây rừng. Nước lá phao uống rất tốt, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Món rau xôi nộm tổng hợp
Người Thái ở Tây Bắc gọi là “Phắc Nừng Chụp”. Đây là một món ăn truyền thống, độc đáo, thơm ngon bổ dưỡng và rất lạ miệng, chính vì vậy đây là món được dùng để đãi khách quý hoặc dành cho những ngày vui lớn
Người Thái có tập quán “xôi”, có thể nói hầu hết các món ăn được chế biến bằng cách “xôi” và cũng có rất nhiều cách để xôi một món ăn : “Nửng xá chíp”, “xôi chín tới”, “nửng pưới”, “xôi nhừ” ….
Với món rau “xôi” tổng hợp, hàng chục loại rau cỏ quanh ruộng, vườn nhà được lựa chọn như : Cỏ mần trầu, rau bướm, bồ công anh, rau má, rau cải xoong, rau ngót, rau dớn rừng, rau bợ, rau cải, rau dền, rau tòm bóp, cỏ thài lài trắng, lá đu đủ, rau thì là, quả cà dại …. theo một tỉ lệ thích hợp để món xôi có hương vị hài hòa, có đủ các vị đắng, chát, cay, ngọt, bùi hòa quyện với nhau làm cho món rau xôi bình dị đạt được độ thơm ngon nhất. Đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén nướng chín giã nhỏ, gừng giã nguyễn, hành và vỏ dồi để tăng vị thơm cay
Dụng cụ để “xôi” gọi là “hay phắc” được làm bằng ống bương “mạy phiêu”. Khi “xôi” chín rau vẫn xanh ngắt, mềm và tỏa hương thơm dịu. Món này khi ăn chấm với mắm cá hoặc chẩm chéo.
Lịch trình du lịch Mai Châu
Để thuận tiện hơn cho các bạn trong hành trình khám phá Mai Châu, Cùng Phượt tổng hợp một số lịch trình du lịch Mai Châu để các bạn tham khảo.
Hà Nội – Mai Châu (2 ngày)
Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)
- 8h00 – 10h00 : Xuất phát từ Hà Nội
- 10h00 : Tới Thành phố Hòa Bình, ghé thăm Bảo tàng văn hóa Mường, thăm nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nghỉ ngơi ăn trưa tại Tp Hòa Bình
- 12h30 – 16h00 : Hòa Bình – Mai Châu trên đường đi có thể dừng chân tại đèo Thung Khe ăn ngô nướng, chụp ảnh. Lên đến điểm dừng chân ngắm thị trấn Mai Châu có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Tối ngủ nhà sàn Mai Châu, thưởng thức ẩm thực Mai Châu. Có thể tổ chức các hoạt động tập thể, xem múa và đốt lửa trại
Ngày 2 : Mai Châu – Ba Khan – Hà Nội
- 7h00 – 9h00 : Dậy sớm tham quan một số địa điểm du lịch xung quanh Mai Châu
- 11h00 – 12h00 : Ăn trưa và nghỉ ngơi
- 12h30 : Lên đường trở về Hà Nội, thời gian di chuyển từ Mai Châu về Hà Nội khoảng 4-5h tùy tốc độ của từng đoàn, các bạn có thể lựa chọn thời gian sao cho phù hợp để có thể về đến Hà Nội trước 18h (mùa đông) và 19h (mùa hè)
- Các bạn có thể lựa chọn đi về đường Ba Khan, một Hạ Long trên cạn. Chỗ này rất đẹp và có thác nước Gò Lào, phù hợp để tổ chức party ăn trưa dã ngoại luôn.
Hà Nội – Mai Châu – Kim Bôi (3 ngày)
Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)
- 8h00 – 10h00 : Xuất phát từ Hà Nội
- 10h00 : Tới Thành phố Hòa Bình, ghé thăm Bảo tàng văn hóa Mường, thăm nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nghỉ ngơi ăn trưa tại Tp Hòa Bình
- 12h30 – 16h00 : Hòa Bình – Mai Châu trên đường đi có thể dừng chân tại đèo Thung Khe ăn ngô nướng, chụp ảnh. Lên đến điểm dừng chân ngắm thị trấn Mai Châu có thể dừng lại chụp ảnh toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao
- Tối ngủ nhà sàn Mai Châu, thưởng thức ẩm thực Mai Châu. Có thể tổ chức các hoạt động tập thể, xem múa và đốt lửa trại
Ngày 2 : Mai Châu – Cao Phong – Kim Bôi
- 8h00 : Khởi hành theo hướng về Tp Hòa Bình, đến gần dốc Cun thì rẽ vào khu du lịch Kim Bôi
- Ăn uống nghỉ ngơi và tối giao lưu tại khu du lịch Kim Bôi
Ngày 3 : Kim Bôi – Bãi Chạo – Hà Nội
8h00 : Khởi hành từ Kim Bôi đi theo đường về Lương Sơn, trên đường về ghé qua một vài điểm du lịch của Lương Sơn như Động Đá Bạc, Suối Ngọc Vua Bà
Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Ba Khan
Ngày 1 : Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu (140km)
- 7h00 : Xuất phát tại Hà Nội, đi theo hướng quốc lộ 6 hướng đi Hòa Bình
- 10h00 : Nghỉ ngơi chơi bời, chụp ảnh tại đèo Thung Khe
- Trưa lên tới Mai Châu, thuê nhà sàn và đặt ăn trưa. Sau khi nghỉ ngơi đến chiều đi chơi một số địa điểm quanh bản, đi dạo quanh bản.
- Tối ngủ Mai Châu
Ngày 2: Mai Châu – Mộc Châu
- Ắn sáng xong khoảng 7-8h xuất phát đi Mộc Châu, quãng đường còn lại chỉ khoảng 70km
- Trên đường về trung tâm Mộc Châu ghé vào Thông Cuông, Pa Phách
- Trưa ăn trưa tại Mộc Châu, nhận phòng cất đồ rồi tiếp tục khám phá Mộc Châu
- Chiều đi Rừng thông bản Áng, Đồi chè Trái Tim, Thung lũng mận Nà Ka
- Tối ngủ Mộc Châu
Ngày 3 : Mộc Châu – Hà Nội (190km)
- 7h00 : Ăn sáng
- 7h30 : Di chuyển đi tham quan nốt một số điểm chưa đi được
- 12h00 : Từ Mộc Châu quay ngược lại Hà Nội, dừng ăn ở một số quán ăn nổi tiếng trên Quốc lộ 6. Khi về đến gần Mai Châu, rẽ theo đường đi Ba Khan để tranh thủ khám phá nơi này.
Một số chú ý trên đường đi Mai Châu
- Từ Hà Nội lên Mai Châu thường có khoảng 4 chốt CSGT, chốt 1 khi qua Thị trấn Xuân Mai, chốt 2 ở trong Tp Hòa Bình (nếu bạn đi vào trong thành phố mà không đi đường tránh), chốt 3 ở chân dốc khi vào Thị trấn Cao Phong và chốt 4 ở Tân Lạc. Trong 4 chốt này thì chốt ở Tp Hòa Bình và Cao Phong thường xuyên bắn tốc độ, các bạn đi xe máy nhớ đảm bảo không vượt quá 40km/h với xe máy và 50km/h với ô tô khi đi vào khu vực có biển báo khu dân cư.
- Quốc lộ 6 là tuyến đường khá đông xe khách và xe container, nếu không có kinh nghiệm đi xe đường đèo buổi tối các bạn không nên chạy sau 19h.
Tìm trên Google :
- kinh nghiệm du lịch Mai Châu 2021
- du lịch Mai Châu tháng 8
- tháng 8 Mai Châu có gì đẹp
- review Mai Châu
- hướng dẫn đi Mai Châu tự túc
- ăn gì ở Mai Châu
- phượt Mai Châu bằng xe máy
- Mai Châu ở đâu
- đường đi tới Mai Châu
- chơi gì ở Mai Châu
- đi Mai Châu mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Mai Châu
- homestay giá rẻ Mai Châu