Kinh nghiệm du lịch

Kinh nghiệm du lịch tự túc Maldives 2 người (

Visa Bankervn xin giới thiệu bài review du lịch tự túc Maldives của bạn Nguyễn Ngọc Mai. Bài chia sẻ rất chi tiết và hữu ích. Bạn Mai đi cùng hubby vừa du lịch vừa chụp ảnh cưới.

Như đã hẹn, mình sẽ viết review chi tiết về chuyến đi Maldives vừa rồi của mình và hubby. Xin lỗi trước, bài đăng khá dài vì mình đi vào chi tiết. Viết kiểu nhật ký để sau này ôn lại kỷ niệm nên ai nôn nóng có thể kéo xuống xem trước phần lịch trình và chi phí.

Kinh nghiệm du lịch tự túc maldives

Maldives đọc là /Maldivz/ là một quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương. Gần 2 nước là Ấn Độ và Sri Lanka. Đây là nơi nổi tiếng sang chảnh và tốn kém. Để tiết kiệm chi phí mà vẫn trải nghiệm mọi thứ, bạn cần chịu khó tìm hiểu và mày mò chuẩn bị thật kỹ

A. Chuẩn bị trước khi đi

Mình dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm thông và chuẩn bị. Hơn nữa lại có kinh nghiệm đi nước ngoài khá nhiều. Cuối cùng lên được plan chuyến đi đúng ý và giá rẻ hơn tour, đảm bảo thích hơn tour.

Trang phục

Bọn mình đi với mục đích chụp ảnh cưới nên mình đã vác theo cả váy cưới luôn. Ngoài ra, các bạn nên sắm mấy váy, áo tắm màu sặc sỡ nha. Đừng quyên mang kem chống nắng nữa.

Thời tiết

Thời tiết ở Maldives quanh năm luôn trên 25 độ. Tháng cao điểm là mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mùa thấp điểm là mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 10.

Một điều đặc biệt nữa là trước hôm đi mình xem thử app thời tiết trong iphone và cả google thì thấy dự đoán trong cả tuần là Thunderstorm. Sợ quá trời lên ngay google tra lại thì thấy người ta bảo là dự đoán vậy là bình thường, không vấn đề gì. Mọi người cũng đừng lo lắng quá nhé.

Mình đi tháng 12 và trong 4 ngày mình đi thì trời nắng đẹp, không có mưa hay bão gì cả. Và mình cũng thấy có người đi đợt tháng 5, tháng 7 và đều báo lại là trời đẹp.

Visa Maldives

Không cần phải xin visa vào Maldives mà chỉ cần có hộ chiếu còn hạn trước chuyến đi 6 tháng là được. Các bạn đi trước khuyên thì nên in ra đầy đủ booking phòng khách sạn, vé máy bay 2 chiều để nếu người ta có hỏi thì nhanh chóng đưa ra được.

Khi xuống sân bay Velana ở Maldives, trước khi xếp hàng để qua hải quan, các bạn nhớ lấy landing card và điền vào các thông tin cần thiết, kẹp sẵn vào hộ chiếu. Lúc chúng mình qua hải quan là được đóng dấu nhập cảnh luôn, không bị hỏi han gì.

B. Vé máy bay

Không có đường bay thẳng từ Hà Nội/HCM tới Maldives mà hầu như phải transit ở Sing, Malay, Thái… nên chuyến bay khá là dài và mệt mỏi. Đặt ở tháng thấp điểm mùa mưa thì chắc chắn vé sẽ rẻ hơn là tháng cao điểm mùa khô. Theo tìm hiểu thì vé trung bình chỉ từ 7-10 triệu/người.

Các bạn có thể chọn các hàng: Air Asia transit Kuala Lumpur; Flyscoot hoặc Singapore Airline transit ở Singapore, Bangkok Airways transit ở Bangkok. Và trang web đặt vé tin cậy của mình vẫn luôn là Skyscanner.

Mình bay hãng Air Asia mùa cao điểm và đặt trước 1 tháng nên hơi bị đắt. 25 triệu vé khứ hồi cho 2 người, tức là hơn 12 triệu tiền vé cho 1 người.

Chặng đầu từ Hà Nội tới Kuala Lumpur hơn 3 tiếng. Sau đó transit 5 tiếng ở sân bay KL và lại đi tiếp chặng bay thứ 2 hơn 4 tiếng tới sân bay Velana, Maldives. Sân bay Velana cũng nằm ở đảo riêng tên là Hulhumale. Phải đi phà công cộng (public ferry); hoặc tàu cao tốc (speedboat); hoặc thuỷ phi cơ (seaplane) để ra các đảo khác dù là đảo dân sinh hay đảo resort. Hầu như các khách sạn hay resort đều có dịch vụ đưa đón tại sân bay.

Với đặt vé bay như vậy, mình chỉ ấn tượng là nguyên ngày đầu là dành cho việc di chuyển. Sáng 5h lúi húi ra sân bay, bay 2 chuyến rồi lại đi speedboat ra đảo Maafushi, tối muộn cùng ngày mới tới được chỗ ở.

Vé Air Asia không bao gồm bữa ăn hay nước uống. Hành lý chỉ có 7kg xách tay bao gồm 1 vali xách tay và 1 túi nhỏ đeo chéo hoặc balo đựng lap. Bọn mình đau đầu vì lúc chuẩn bị hành lý bị lố cân 1 tẹo nhưng thấy bên Air Asia kiểm tra cũng không kỹ lắm. Để an tâm, trước khi lên đường các bạn nên check cẩn thận quy định về kích thước và cân nhé.

C. Chỗ ở và vui chơi

Phần này là quan trọng nhất và ảnh hưởng lớn tới chi phí của cả chuyến đi đây. Maldives là quốc đảo có hàng trăm đảo lớn nhỏ có người ở, hòn đảo nào cũng được bao quanh bởi nước, chia thành 2 dạng chính là đảo dân sinh và đảo resort.

Đảo dân sinh là nơi cư dân sinh sống như bình thường. Giá cả sẽ mềm hơn rất nhiều với đảo resort. Các bạn cũng có thể book những tour lặn biển, chơi trò chơi dưới nước tương tự đảo resort với chi phí tiết kiệm hơn nhiều.

Đặc sản ở Maldives chính là những resort được xây trên đảo bao quanh nước. Cho nên đã đến Maldives thì nhất định phải dành 1-2 đêm trải nghiệm ở đây nhé.

Có những gói tour chỉ có giá từ 20 triệu, nhưng sự thật là các bạn sẽ ở đảo dân sinh là chính. Từ đảo dân sinh sẽ đặt tour đi speedboat thăm các đảo resort sang chảnh vào chụp ảnh chứ không được ở đâu. Còn tour cao cấp hơn thì có tour 70 triệu. Được 3 ngày ở resort nhưng lại không có đêm nào ở đảo dân sinh cả, lại chưa bao gồm cả tiền vé máy bay. Vì lẽ này nên mình mới đưa ra quyết định là sẽ tự đi, và kết hợp cả đảo dân sinh và đảo resort để được trải nghiệm đầy đủ nhất.

Đảo dân sinh Maafushi

Trong các đảo dân sinh thì mình quyết định chọn Maafushi. Lý do vì đọc review là đảo này sạch hơn ở thủ đô Malé, các tiện ích cũng tốt hơn. Vì vậy khi đến sân bay nhập cảnh gần 8:30 tối, mình đã không ngủ qua đêm ở Malé dù cách sân bay chỉ 10 phút đi bằng phà công cộng. Mình đi speedboat qua Maafushi và qua đêm ở đó luôn.

Khách sạn

Ở Maafushi có 1 khách sạn mình strongly recommend các bạn, đó là Summer Villa Guest House. Mình nói chuyện với ông chủ và cậu con trai tên Mohammed. Trong quá trình tìm hiểu hỏi gì Mohammed trả lời hết rất nhiệt tình. Đặt trực tiếp không cần qua Agoda hay Booking vì mình có số điện thoại. Giá 63 đô/1 đêm hạng phòng Bed & Breakfast bao gồm bữa sáng và thuế.

READ  Kinh nghiệm du lịch Hà Giang tự túc 2021 | khám phá núi rừng hùng vỹ

Sở dĩ mình chỉ ăn sáng vì ngày hôm sau mình book half-day tour lặn biển đã bao gồm ăn trưa luôn rồi. Kết thúc tour là mình cũng sẽ đi sang đảo resort luôn nên không cần bữa tối luôn. Review chút là bữa sáng ở Summer villa cũng chỉ có những món cơ bản kiểu trứng, xúc xích và mấy món Hồi thôi nhé chứ không có gì đặc biệt cả.

Di chuyển từ sân bay

Tàu cao tốc

Mohammed có gợi ý với mình là nên đi speedboat. Vì chờ đi phà công cộng giá rẻ hơn 20 đô 1 người/lượt sẽ hơi lâu vì 8h30 mình tới nơi mà 10h mới có 1 chuyến. Nhưng giá thuê riêng 1 speedboat để đón 2 đứa tại sân bay lại tận 100 đô/1 boat. Khi mình bày tỏ quan ngại thì cậu ấy đã rất tốt bụng bảo để tìm xem có chỗ nào có thể ghép khách và cho bọn mình đi cùng với giá 20 đô/người. Mình đồng ý luôn.

Lúc đến cũng phải chờ ghép khách, rồi speedboat đón thêm khách ở Malé, cuối cùng 10h mới chính thức đi. Nhưng được cái trải nghiệm đi tàu nhanh vun vút giữa đêm khuya hiu hắt trên đại dương mênh mông rất phê nha. Dù sao đi phà công cộng sẽ lâu và dễ say sóng hơn nhiều.

phà công cộng

Khi đến nơi, có hẳn 2 người từ Summer Villa ra đón. Villa gần ngay bến cảng nên chỉ cần đi bộ. Họ dùng xe kéo chở hành lý về khách sạn. Trên đường đi, biết là đã muộn nên bạn đón cũng chủ động đưa bọn mình qua 1 nhà hàng gần đó và gọi đồ ăn rồi người ta ship về. Villa xinh xắn nằm ở giữa đồn cảnh sát và nhà tù Maafushi, bá đạo y như ông chủ ở đây vậy. Tới nhận phòng cũng được phục vụ khăn ướt và welcome drink. Phòng cho 2 người cũng rộng rãi thoải mái tương đương ks 2-3 sao bên mình.

Chơi ở Maafushi

Đến Maafushi mục đích chính của mình là lặn biển nên mình đã nhanh chóng đặt half-day tour ở đây. Tour nửa ngày từ 9h sáng tới 2h chiều bao gồm: lặn ngắm san hô, ngắm đảo rùa, ngắm cá heo và sandbank (là 1 bãi cát trắng rất đẹp ở giữa biển). Vì Maldives là quốc gia đạo Hồi nên ở bãi biển bình thường các bạn không được mặc bikini, nhưng ra Sandbank là mặc thoải mái nhé.

Để tiện mình đã đặt luôn tour lặn ở Summer Villa luôn. Giá ban đầu 25 đô/người nếu đi 4 người. Bọn mình chỉ có 2 người, lại ko có khách ngoài để ghép vì người ta đi full ngày hết, nên giá sẽ là 35 đô/người. Thực sự đây là quyết định đúng đắn nhất. Với 70 đô được nguyên 1 tàu đi kèm với 2 bạn thợ lặn kèm cặp tận tình và chụp ảnh có tâm cực kỳ.

Mình thực sự bất ngờ với dịch vụ ở đây. Các bạn có Go Pro chụp, quay dưới nước. Mỗi bạn kèm cặp 1 đứa cho lặn. Sờ tận tay san hô, rồi chụp ảnh và quay phim, tạo dáng hết sức chuyên nghiệp và nhiệt tình. Lúc nào cũng hỏi bọn mình có happy không nữa chứ. Nói chung, với mức giá là 70 đô, so sánh với tour Nha Trang hay Đà Nẵng thì ở đây hơn về giá, về chất lượng dịch vụ và cả cảnh quan.

Biển thì đẹp mê hồn các bác ạ. Nhiều loại cá, tảo biển và rặng san hô nhiều màu sắc vô cùng. Bọn mình cũng thực sự tiếc vì do sai sót lúc mua vé chỉ ở Maafushi 1 ngày. Tức là đêm hôm đó tới sân bay ra Maafushi ngủ lại 1 đêm và chỉ kịp sáng hôm sau đi tour nửa ngày lặn biển này. Mình sẽ recommend mọi người ở đây thêm 1 đêm, để có thể đi tour cả ngày, và chơi thêm được nhiều trò khác ở đây và đương nhiên là với mức giá sẽ rẻ hơn nhiều khi chơi ở resort nhé.

Ông chủ Summer Villa đã giúp bọn mình tiết kiệm 1 khoản không nhỏ trong khoản tiền di chuyển tới resort. Resort báo giá là speedboat từ đảo Maafushi tới resort là 235 đô, họ không cho phép speedboat transfer từ bên ngoài vào. Hôm ấy lúc ăn sáng ở Summer Villa, ông chủ hỏi mình là đã trả tiền đi lại cho resort chưa, nếu chưa thì ổng có thể giúp mình qua đó luôn với giá là 60 đô/2 người. Vì bọn mình đi tour nửa ngày lặn biển nên họ sẽ tiện đường thả mình ở resort luôn. Tuy mừng lắm nhưng bọn mình cũng bảo ổng phải double check lại với resort xem họ có cho phép như vậy không. Bác nói luôn là tao đã nói chuyện với manager ở đó rồi nên bọn mình có thể hoàn toàn yên tâm. Bác bảo chỉ cần chúng mình happy là bác cũng happy rồi. 5 sao cho team của Summer Villa Guest House

Resort Olhuveli Beach & Spa

Ai cũng biết là một trải nghiệm chắc chắn phải có khi đi Maldives là ở những đảo resort. Tuy nhiên thì giá phòng ở đây cũng đắt hơn rất nhiều lần so với khách sạn/villa ở đảo dân sinh. Đây là 1 số lưu ý và tips của mình để chọn được giá phòng hợp lý nhất:

Tip 1: Transfer

Khi đặt phòng qua Booking hay Agoda, các bạn cần phải xem thật kỹ giá phòng cuối cùng, tức là tiền phòng đã bao gồm các loại thuế và tiền di chuyển tới resort chưa.

Để đến resort phải đi bằng speedboat hoặc seaplane – thủy phi cơ. Giá speedboat đến resort mình ở là 235 đô 1 thuyền. Có những chỗ tính theo đầu người cũng phải từ 100 đô/người trở lên. Giá thuỷ phi cơ thì cực đắt đỏ từ 800-1000 đô.

Thủy phi cơ

Khi mình tìm resort, có những chỗ rất đẹp, hiện giá trên Booking rất rẻ nhưng khi cộng thêm phí transfer thuỷ phi cơ chả hạn thì giá đội lên gấp mấy lần. Sau 1 hồi tham khảo các resort được hội người Việt tin yêu, mình đã quyết định book phòng ở Olhuveli Beach and Spa cách sân bay 40 phút đi bằng speedboat và khá gần đảo Maafushi.

Một lưu ý nữa là sẽ có những resort ko ghi rõ phí vận chuyển, chỉ ghi tiền phòng. Ví dụ như ngay chính resort Olhuveli mình ở. Vậy bạn cần chủ động xin email/contact của resort để hỏi về việc này, người ta sẽ reply email của bạn trong ngày luôn.

READ  Kinh nghiệm du lịch Thái Lan - Ăn chơi bét nhè hết 7 triệu - Bay Nhé!

Tip 2: Hạng phòng

Mỗi resort cũng có nhiều hạng phòng khác nhau. Vừa để tiết kiệm và tăng trải nghiệm nên mình book cả phòng thường và phòng trên mặt nước. Ngày đầu tới resort mình chọn hạng Deluxe room, phòng rộng 50m2, view biển, đẹp, hịn, có thể đi ra ngay bờ cát trắng và tắm luôn. Hạng phòng này có giá là gần 10 triệu.

Ngày hôm sau mình ra hẳn khu Jacuzzi water villa. Đây là villa trên mặt nước, có bể sục, rộng hơn 80m2. Đẹp tuyệt vời các bác ạ. Hạng phòng này có giá là 15 triệu. Cảm giác bước chân 1 cái là xuống biển luôn thích lắm. Bồn tắm hay bồn sục đều hướng ra biển, có luôn 2 bồn rửa mặt cho 2 người. Nói chung nhìn trên ảnh cũng k lột tả được hết vẻ đẹp của phòng và vị trí của phòng. Đây là một trải nghiệm rất đáng để thử.

Lưu ý giá phòng như trên mình bảo là dựa trên các option về bữa ăn nữa, mời mọi người đọc tiếp Tip 3. Đương nhiên là ăn uống chọn nhiều bữa thì sẽ càng đắt.

Tip 3: Chọn hạng bữa ăn

Có một số options chính mà các resort offer. Ví dụ như:

  • B&B là bed and breakfast chỉ có ăn sáng
  • Half-board bao gồm ăn bữa sáng và tối
  • Full-board ăn 3 bữa
  • AI (all-inclusive) là ăn 3 bữa kèm theo uống thoải mái đồ uống trong quầy bar, kèm với một số dịch vụ như chơi trò dưới nước hay đi tour lặn khác.

Theo như mình tính toán thì chọn AI ko cần thiết cho lắm. Một số người cảnh báo là ăn half-board hay full-board ko bao gồm đồ uống, phải mua ngoài rất đắt. Nhưng như mình thấy, gọi thêm nước lọc cho bữa ăn hết 4 đô 1 chai. Tối vào 1 quán bar uống mocktail, sinh tố nhẹ nhàng hết tầm 10-25 đô cho 2 đứa thôi. Còn trò chơi thì mình đã chọn chơi ở đảo Maafushi cho rẻ. Vì vậy mình quyết định đặt hôm đầu ở Deluxe room là half-board. Ăn sáng xong muộn muộn là tầm 10h ăn xong, trưa ko ăn và chờ đến tối ăn luôn. Ngày hôm sau ở sang chảnh chỗ Jacuzzi water villa thì chọn full-board.

Review về resort mình ở -Olhuveli, mình thấy có mấy điểm cộng và điểm trừ như sau:

Điểm cộng

Nhân viên tiếp đón, lễ tân rất nhiệt tình, trả lời email nhanh. Tới nơi thì đều có welcome drink và khăn ướt lau mặt. Lúc bọn mình lên speedboat ra sân bay, resort cử 5-6 người ra take care khách, và vẫy tay chào khách rất lâu cho tới khi thuyền đi xa.

Resort thực sự là rất rộng và đẹp ạ. Resort này mới mở rộng ra thêm 1 khu nữa. Tuy nhiên khu này thì thấy bảo sóng sẽ đánh mạnh hơn nên khó tắm biển hơn. Và hơn nữa để di chuyển ra khu đó thì phải dùng shuttle bus, cứ nửa tiếng mới có 1 chuyến, cho nên mình xem review trên agoda thấy khách cũng hay than phiền là chờ lâu mới có chuyến để ra nhà hàng ăn.

Cũng cảm thấy may mắn vì mình đặt phòng ở khu cũ, đi lại rất tiện, đi bộ là ra đc hết 3-4 cái nhà hàng và 3 quán bar ở đây. Các bạn có thể đi shuttle bus để ra khu mới xây chụp ảnh, quay film cũng rất tuyệt. Bạn nào muốn mình có thể forward cho các bạn thông tin và bản đồ của resort các bạn sẽ dễ hình dung về vị trí phòng ở của mình.

Dịch vụ chụp ảnh. Đây cũng là 1 thứ cực kỳ hay ho mà mình muốn chia sẻ với mọi người. Lúc đi mình và hubby có mang theo máy ảnh, dự định sẽ tự chụp hình hoặc nhờ người chụp. Nhưng lúc đến lại ko nhờ đc ai cả, tìm hiểu mới biết resort có cung cấp dịch vụ chụp ảnh với mức giá là 50 đô/30 phút và 100 đô/1 tiếng. Giá này thực sự chấp nhận được và mềm hơn rất nhiều so với việc mình book thợ ở Maldives hoặc đem thợ từ Việt Nam sang.

Mình đã có 1 bộ ảnh cưới mĩ mãn, gần như chụp tấm nào là đẹp tấm đó luôn. Lại còn đc retouch thêm 10 tấm tuỳ chọn bất kỳ nữa. Tuy nhiên các bạn phải đặt trước nhé để thợ chụp thu xếp lịch và còn edit ảnh cho các bạn. Như mình cũng may, 2 vc đang loay hoay tính cách chụp thì thấy có nháy đang chụp cho 1 đôi, hỏi ra mới biết người ta có dịch vụ nên đặt bạn ấy chụp luôn và không cần thông qua resort nữa. Còn nếu các bạn có ý định từ đầu thì có thể báo trước qua resort.

Mình nghĩ tội gì đến 1 nơi đẹp như vậy mà ko lưu giữ lại ảnh nhỉ. Có thể chụp bằng điện thoại nhưng với những cặp đôi thì theo mình nên chụp bằng máy ảnh cho xịn. Mình k rõ các resort khác thì thế nào nên các bạn có thể hỏi thêm nhé.

Điểm trừ

Đồ ăn chưa đặc sắc. Tất cả đều ăn trong các nhà hàng buffet hết. Có khá nhiều món để chọn, đặc biệt là có rất nhiều cá luôn. Tuy nhiên, theo mình thấy món ăn đa số là mang phong vị đặc trưng của Ấn/Hồi giáo nên mình ăn thấy không hợp khẩu vị lắm. Mình k biết đồ ăn của các resort khác như thế nào nhưng mình nghĩ chắc giống nhau. Hoặc trừ khi chọn resort sang cực sang thì chưa biết như nào.

Khi ăn sáng ở 2 hạng phòng khác nhau mình cũng nhận ra là nhà hàng ăn sáng ở hạng phòng Water villa ăn ngon hơn là bên phòng Deluxe. Còn bữa tối thì cả 2 hạng phòng bọn mình vẫn về cùng 1 nhà hàng tên là Sunset Restaurant.

Dịch vụ chơi khá là đắt đỏ. Vì bọn mình đặt nhầm vé, chỉ có nửa ngày ở Maafushi đi tour nửa ngày nên mình bảo hubby chơi thêm ở đây. Mình chọn chơi trò xe kéo Fun Tube với giá là 62 đô/2 người/10 phút. Giá khá là chat, mình chưa hỏi nhưng mình đoán chơi ở Maafushi sẽ rẻ hơn nhiều. Nhưng được cái trò xe kéo này vui lắm luôn.

Ngoài ra còn có trò parasailing giống ở Nha Trang, Đà Nẵng nhưng giá đắt quá. Hơn 200 đô cho 2 người bay 15 phút, đắt hơn nhiều so vs Nha Trang. Tuy nhiên mình nghĩ nếu được thì vẫn nên thử, vì có thể ngắm đc toàn cảnh resort ở trên cao. À, một điểm cộng của resort là các bạn ấy cho mình mượn cái bao chống nước cho điện thoại để chụp ảnh

READ  kinh nghiệm du lịch thác bản giốc

Thủ đô Malé

Resort sẽ hỏi mình xem mình về chuyến mấy giờ để tính toán chở mình ra sân bay. Nhưng nếu đi vé của Air Asia thì sẽ biết là tối 8h30 mới được bay. Vì vậy mình đã nhờ resort chở mình đi chuyến sớm lúc 3h. Ở Olhuveli thì giờ nhanh hơn so với giờ của Malé là 1 tiếng. Cho nên 3h của Olhuveli là thì mới là 2h ở Malé thôi. Về đến sân bay là 3h, mình vẫn có thời gian để đi chơi thêm.

Đến sân bay rồi thì người ở resort sẽ cung cấp cho mình thêm 1 số thông tin về kế hoạch đi chơi trong thủ đô. Bạn ý gợi ý cho mình đặt 1 bạn hướng dẫn viên để đưa mình đi tham quan.

Malé rất nhỏ, chỉ kéo dài 3.5km thôi. Chắc ban đầu các bạn sẽ thắc mắc về vấn đề sim điện thoại. Mình ko mua sim mà chỉ dùng wifi của khách sạn/resort. Vì vậy để an toàn và tiện lợi nhất trong 1 khoảng thời gian ngắn chờ chuyến bay về, mình đã quyết định đặt bạn tour guide luôn. Bạn ấy đưa mình đi phà công cộng giá là 2 đô/1 lượt tới Malé, mất có 10 phút thôi. Đi thăm xung quanh thành phố và đi chợ địa phương để mua quà lưu niệm.

Thấy bảo đặc sản là các loại cá khô và socola dừa, nhưng mình chỉ mua socola dừa thôi. Mua đồ xong 6h kém bạn ấy lại đưa mình đi phà về sân bay để kịp chuyến bay lúc 8h30 tối. Tiền tip cho bạn ấy là 20 đô. Mình nghe theo bạn ở resort, tiền tip tuỳ mn nhé, trung bình chắc tầm 10 đô/1 người.

Về việc thuê tour guide thì các bạn có thể cân nhắc, nếu ngay từ đầu các bạn mua sim có 4g, dư dả về thời gian thì có thể hoàn toàn tự đi nhé. Vì mua vé phà đi cũng rất nhanh và đơn giản.

D. Lịch trình chi tiết

Ngày 1: HN – Maafushi,Maldives

5h sáng ra sân bay, đi chuyến bay của Air Asia tới KL, transit 5 tiếng, bay tiếp chuyến của Air Asia tới sân bay Velana. Di chuyển bằng speedboat tới đảo Maafushi, ở Summer villa guest house, ăn tối trên đường tới villa (thuê hạng phòng Deluxe room, option Bed and Breakfast)

Ngày 2: Maafushi – Olhuveli

Sáng 8h dậy ăn sáng của ks, đi tour nửa ngày lặn ngắm san hô, rùa, các loại cá, monmientrung.comụp ảnh đã đời , ăn trưa trên Sandbank luôn (bên Summer villa đã chuẩn bị sẵn hộp cơm và coca cho bọn mình), ăn xong di chuyển tới Olhuveli resort nhận phòng Deluxe room (option half-board). Chụp ảnh và ăn tối buffet ở resort. Tối đi bar của resort nghe nhạc live.

Ngày 3: Olhuveli

Sáng 8h dậy ăn sáng buffet của resort, chụp ảnh tiếp, ko ăn trưa (vì vẫn ở phòng đó half-board nên đc 2 bữa thôi), trưa xin check-in sớm phòng Jacuzzi water villa sang chảnh, book thợ chụp ảnh cưới buổi chiều. Chụp xong ra Water Sports Centre để đặt trò chơi cho sáng hôm sau. Ăn tối theo option full-board của hạng phòng này. Tối lại ra quán bar khác ngồi uống nước.

Ngày 4: Olhuveli – HN

Sáng dậy sớm thử bể sục hịn của villa, 8h ăn sáng buffet của hạng phòng này (ở 1 nhà hàng khác nha), đi chơi Fun Tube, về pack đồ tắm rửa và check-out. Trước khi ăn trưa thì xem lại ảnh bạn nháy đã edit. Ăn trưa xong trong lúc chờ speedboat chở ra sân bay thì sang bên khu mới của resort để hóng. Về tới sân bay gửi đồ ở đó, sau đó book tour guide đi thăm thủ đô Malé, ra chợ địa phương mua quà cho mọi người. Tối 6h có mặt ở sân bay để đi chuyến 8h30 tối, lại transit ở Malay và về tới Hà Nội vào 8h30 sáng hôm sau.

E. Tổng kết chi phí

Khách sạn, resort

  • Maafushi: 62 đô = 1.426.000;
  • Resort: Deluxe room: 10 triệu,
  • Resort: Jacuzzi water villa: 15 triệu.
  • Tổng phòng ở: 26.4 triệu

Di chuyển:

  • Taxi 2 chiều HN-Nội Bài và Nội Bài-HN: 700K
  • Vé máy bay: 25 triệu/2 người/2 cặp vé khứ hồi. Nếu canh vé chỉ tầm 7-10 triệu khứ hồi/người
  • Speedboat từ sân bay tới đảo Maafushi: 20 đô/1 người/1 lượt x2 = 40 đô
  • Speedboat từ đảo Maafushi ra Olhuveli: 60 đô/2 người
  • Speedboat chiều về từ Olhuveli ra sân bay: 229 đô/2 người
  • Phà 2 chiều từ sân bay ra thủ đô Malé để chơi: 8 đô/2 người
  • Tổng di chuyển: 33.4 triệu

Chi phí linh hoạt

Hay còn gọi là chi phí ăn chơi tuỳ vào từng người sẽ chọn mức độ và tần suất ăn chơi khác nhau

  • Tour nửa ngày ở Maafushi: 70 đô/2 người = 1.6 tr. Cái này cực kì nên đi, các bạn nên ở Maafushi thêm 1 đêm để chọn đi tour cả ngày và chơi các trò chơi trên mặt nước khác
  • Chơi Fun Tube ở Olhuveli: 62 đô/2 người/10 mins = 1.5 tr. Cái này có thể chơi ở Maafushi nha các bạn, k cần ra resort sẽ bị đắt
  • Ăn ở sân bay (2 lần đi và về): tầm 40 đô = 900k. Ăn tối ở Maafushi hôm đầu đến Maldives: tầm 30 đô cho 2 người = 600K. Nước lọc tại bàn cho 3 bữa ở resort: 12 đô = 276K
  • Uống nước ở quán bar: 30 đô/2 người =700K
  • Chi phí mua quà + chi phí linh tinh: 2 triệu
  • Tiền tip cho hướng dẫn viên ở Malé: 20 đô = 500K
  • Chi phí chụp ảnh (có thể ko có): 1.5 tr
  • Tổng chi phí linh hoạt: 5-10 triệu

Tổng cộng sẽ dao động từ: 64-70 triệu/2 người. Như vậy, Maldives hoàn toàn không còn là giấc mơ không chạm tới được nữa. Mình mong chia sẻ của mình sẽ giúp mọi người đến gần hơn với Maldives. Tin chắc chắn rằng đây không phải chỉ là chuyến đi để sống ảo, mà là chuyến đi cho những trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời mà mình nghĩ là sẽ khó có thể tìm được ở 1 nơi khác. Từ cảnh đẹp tuyệt mỹ, con người thân thiện, dịch vụ chuyên nghiệp.

Mình với hubby vẫn hay bảo nhau là chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ chụp ảnh cưới ở Maldives luôn. Kết thúc chuyến đi mình cảm thấy thực sự quyết định dám đi, rồi dành ra cả tuần để nghiên cứu đường đi nước bước cho chuyến đi thật sự là đáng, và cũng khá tự hào về bản thân. Chúc cho những ai luôn có dự định đi, những cặp đôi luôn muốn trăng mật ở Maldives, hay những ai chưa biết, chưa từng nghĩ tới sẽ được trong đời trải nghiệm 1 lần ở thiên đường này nhé.

See more articles in category: Kinh nghiệm du lịch

Đặng Gia Nghi

Mình là cô nàng Cự Giải thích nấu ăn và có kinh nghiệm về giảm cân. Từ lâu mình đã tìm hiểu về các phương pháp giảm cân, Hàm lượng calo trong từng món ăn. Nên loạt bài mình chia sẻ về Hàm lượng calo có trong từng món ăn hy vọng sẽ giúp ích được các bạn. Đây là blog mới mình chia sẻ về làm đẹp, cả nhà ủng hộ nhé!

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button